Cải thiện môi trường kinh doanh - Bài 2: Nâng chất cho quá trình cải cách

13:17' - 04/05/2018
BNEWS Việt Nam đã bắt đầu công cuộc cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong một khoảng thời gian khá dài.

Tuy nhiên, để đạt được chất lượng môi trường kinh doanh như kỳ vọng của doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần có giải pháp tạo ra hiệu quả đồng đều, tác động thực chất và toàn diện hơn nữa.

Để nâng cao chất lượng chỉ số khởi sự doanh nghiệp chỉ hỗ trợ, cắt giảm thủ tục thành lập doanh nghiệp là chưa đủ. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Dự thảo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo (do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cung cấp), Chính phủ đặt mục tiêu tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Trong đó, cải thiện mạnh mẽ các chỉ số đang bị xếp hạng thấp như khởi sự doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp hợp đồng, chỉ số phá sản doanh nghiệp. Hoàn thành bãi bỏ ít nhất 50% số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh và giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, để nâng cao chất lượng chỉ số khởi sự doanh nghiệp chỉ hỗ trợ, cắt giảm thủ tục thành lập doanh nghiệp là chưa đủ. Bởi đăng ký doanh nghiệp chỉ là bước khởi đầu, trong khi việc vận hành doanh nghiệp là một hành trình dài với rất nhiều khó khăn và chi phí phát sinh. Vì vậy, trong chiến lược phát triển doanh nghiệp của cả nước hay của từng địa phương, cần phải có cơ chế phù hợp để người khởi sự lựa chọn thành lập doanh nghiệp thay vì hộ kinh doanh cá thể.

Muốn vậy, phải xóa bỏ sự “bất công bằng” về thuế phí, về tần suất thanh kiểm tra… giữa các loại hình kinh doanh. Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực, tham gia thị trường mới có thể hoạt động hiệu quả, sinh ra lợi nhuận và đóng góp vào ngân sách. Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho hay.

Liên quan tới cải cách hành chính trong kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, các chuyên gia cho rằng, cần có tiêu chí đo lường hiệu quả cụ thể.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lý giải, sở dĩ phải có tiêu chí đo lường hiệu quả của việc cải cách bởi thời gian qua, việc cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đang trong tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hay “nóng, lạnh không đồng đều”. Nghĩa là, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng mỗi bộ ngành, địa phương lại triển khai ở cấp độ khác nhau.

Trong khi Bộ Công Thương tạo được đột phá qua việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ Y tế thay đổi cơ bản cách thức quản lý về An toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm) thì ở một số bộ ngành vẫn có hiện tượng cải cách theo hướng cộng gộp các thủ tục, các điều kiện kinh doanh, thay đổi câu chữ của các quy định mà không bao hàm thay đổi nội dung bên trong để đạt chỉ tiêu giảm số thủ tục hành chính.

Bên cạnh những địa phương tích cực đề ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh cấp tỉnh thì vẫn còn nhiều địa phương chỉ “chờ” những giải pháp từ trên xuống.

Vì vậy, theo ông Phan Đức Hiếu, đánh giá hiệu quả nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh không nên chỉ dựa trên tiêu chí số thủ tục được cắt giảm mà phải dựa trên tiêu chí tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Muốn dỡ bỏ gánh nặng chi phí không chính thức thì phải minh bạch hóa các hoạt động quản lý.

Chỉ khi ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hạn chế việc tiếp xúc giữa cán bộ quản lý với doanh nghiệp mới có thể triệt tiêu các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Riêng về chỉ số thực thi hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Hưng Quang đề xuất, cần thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử giữa Tòa án, cơ quan thi hành án và doanh nghiệp. Song song đó phải sớm ban hành cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án, tòa án và quản tài viên để giải quyết các vụ việc phá sản.

Liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch Việt Nam (AFT) cho rằng, để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên ban hành chính sách và kiểm soát quá trình thực thi chính sách mà không nên tham gia vào các dịch vụ cấp phép, chứng nhận có thu phí…

Thay vào đó, các hoạt động này nên xã hội hóa cho các tổ chức độc lập hoặc doanh nghiệp thực hiện để xóa bỏ cơ chế “xin – cho”.

Mặt khác, các chính sách cần được xây dựng nhất quán, rõ ràng, cụ thể để việc thực thi được minh bạch. Ví dụ như mức thuế thu nhập doanh nghiệp khoa học công nghệ là 5%, các doanh nghiệp không phải là khoa học công nghệ là 10%.

Tuy nhiên, những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để xác định là doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay chưa được cụ thể, rõ ràng, tùy thuộc vào quan điểm của từng cấp, từng cán bộ phụ trách hồ sơ, khiến doanh nghiệp phải tìm cách lách luật…

Các chuyên gia cũng cho rằng, để việc cải cách được triển khai và mang lại hiệu quả đồng đều hơn, toàn diện hơn Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung ứng tất cả các dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3 và 4.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng phải kết nối tất cả thủ tục hành chính qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để cắt giảm các thủ tục, động tác thừa gây tốn kém về thời gian và phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách điều kiện kinh doanh, các cơ quan tham mưu và thực thi pháp luật phải hành động thực chất và quyết liệt hơn.

Cụ thể, phải giám sát, xử lý các bộ ngành, cơ quan nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu, giám sát việc tạo ra các loại giấy phép mới. Đồng thời phải tăng cường vai trò rà soát, phản biện của các cơ quan độc lập và các doanh nghiệp.

Việc rà soát, cải cách các thủ tục hành chính, các văn bản pháp luật tác động tới môi trường kinh doanh là cần thiết nhưng sự bất định và không tiên liệu được quá trình cải cách sẽ là một trong những rào cản hạn chế các quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Vì vậy, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia và xác định thời gian hoàn thành quá trình cải cách để đạt được sự ổn định về mặt chính sách, giúp các doanh nghiệp yên tâm đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục