Cấm buôn bán vẹt xám châu Phi trên toàn cầu

07:22' - 06/10/2016
BNEWS Loài vẹt xám châu Phi là một trong rất ít loài chim có khả năng "bắt chước" giọng nói con người và tiếng hót của các chim khác.
Vẹt xám châu Phi quý hiếm đang bị săn bắt trộm trên phạm vi rộng lớn. Ảnh: Pit

Ngày 2/10 vừa qua, tại Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật nguy cấp lần thứ 17 (gọi tắt là CITES COP17) tổ chức tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), các đoàn đại biểu đã bỏ phiếu thông qua lệnh cấm buôn bán quốc tế đối với loài vẹt xám châu Phi, hiện là một trong những loài động vật hoang dã quý hiếm đang bị săn bắt nhiều nhất tại châu lục này và trên thế giới.

Các chuyên gia động vật hoang dã quốc tế đã nhấn mạnh, loài vẹt xám châu Phi là một trong rất ít loài chim có khả năng "bắt chước" giọng nói con người và tiếng hót của các chim khác. Vì đặc tính có một không hai này mà trong thời gian gần đây, loài vẹt quý hiếm nêu trên đang bị săn bắt trộm trên phạm vi rộng lớn.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ động vật (IFAW) đã ước tính có khoảng từ 2,1 triệu đến 3,2 triệu cá thể vẹt xám châu Phi đã bị săn bắt trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2013.

Thêm vào đó, việc bị phá hủy môi trường sống khiến số lượng loài chim này đang sụt giảm mạnh, nhất là ở các quốc gia châu Phi như Benin, Burundi, Guinea, Guinea-Bissau, Kenya, Rwanda, Tanzania và Togo.

Theo các chuyên gia, việc thông qua lệnh cấm buôn bán toàn cầu loài vẹt xám châu Phi sẽ đưa loài chim quý hiếm này vào Phụ lục 1, nghĩa là được "bảo vệ ở mức cao nhất ", vì nếu không có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt thì loài loại chim này có nguy cơ bị tuyệt chủng trong tương lai không xa.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu này, Tiến sĩ Colman O'Criodain, người đứng đầu Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), cho rằng quyết định này của Hội nghị CITES là "một bước tiến quan trọng" trong việc tăng cường bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả loài vẹt xám châu Phi.

Việc cấm buôn bán quốc tế sẽ làm giảm đáng kể nạn săn bắt trộm và thúc đẩy việc bảo vệ có hiệu quả các loài động, thực vật có nguy cơ "bị xóa sổ" trong thời gian tới.

Dự kiến Hội nghị CITES lần thứ 17 sẽ kết thúc vào ngày 5/10 với việc thông qua khoảng 62 văn kiện liên quan trong đến bảo vệ các loài động thực, vật hoang dã quý hiếm trên thế giới có nguy cơ bị tuyệt chủng.

>>> Nhiều loài chim ở Indonesia đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng

>>> Hoạt động của con người đe dọa thiên nhiên hoang dã

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục