Cầm cố sổ bảo hiểm xã hội – nhiều hệ lụy

15:46' - 06/02/2018
BNEWS Không chỉ người lao động mà người, đơn vị nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội cũng gặp không ít hệ lụy.

Hiện tượng cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, “bán lúa non” sổ bảo hiểm xã hội đã xảy ra, đây là vấn đề tự phát, ông Chu Minh Tộ, Trưởng ban Sổ, Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 2/2018, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức sáng 6/2.

Cầm cố sổ bảo hiểm xã hội

Theo ông Chu Minh Tộ, vừa qua, tại Bảo hiểm xã hội một số địa phương như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Nông… sau khi thực hiện bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động đã xuất hiện tình trạng cá nhân người lao động đem sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mới.

Sổ bảo hiểm xã hội là nhật ký chứng từ ghi lại toàn bộ quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của mọi người lao động để sau này làm cơ sở giải quyết các chế độ, chính sách cho họ. Việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, của người nhận sổ bảo hiểm xã hội để cầm cố, ảnh hưởng đến cơ quan Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp có người tham gia bảo hiểm xã hội.

Ông Chu Minh Tộ cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội và không quy định cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp người lao động đem sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, chỉ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do bị hỏng, mất.

Các Điều 19, 96 Luật Bảo hiểm xã hội quy định người lao động có trách nhiệm bảo quản sổ bảo hiểm xã hội; sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội. Điều 97 của Luật quy định hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp người lao động bị hỏng, mất sổ bảo hiểm xã hội (không quy định đối với trường hợp cầm cố sổ bảo hiểm xã hội).

Hiện chưa có con số chính thức về số lượng sổ bảo hiểm xã hội bị người lao động mang cầm cố, thế chấp, nhưng qua quan sát của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng này đa phần xảy ra ở khu vực có khu công nghiệp.

Nhiều hệ lụy

Trưởng ban Sổ, Thẻ Chu Minh Tộ cho biết, việc người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ bảo hiểm xã hội và người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội. Nếu người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do bị mất, hỏng thì không được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.

Người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, sau đó khai man là bị mất, hỏng và đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp lại, nếu bị phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi kê khai không đúng sự thật, theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Không chỉ người lao động mà người, đơn vị nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội cũng gặp không ít hệ lụy. Theo quy định hiện hành về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ bảo hiểm xã hội, dữ liệu về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, đảm bảo không giải quyết hưởng trùng.

Khi cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động phải căn cứ trên dữ liệu về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trên phần mềm nên chỉ giải quyết chế độ một lần, không thể giải quyết trùng lần nữa.

Bên cạnh đó, khoản 3, Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định: “Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội…”. Pháp luật về bảo hiểm xã hội không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia bảo hiểm xã hội thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan.

Người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội sẽ không thể đem sổ nhận thế chấp đi giải quyết bảo hiểm xã hội một lần, mặc dù có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nếu gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà qua đời) thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tuất, người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội sẽ không được hưởng (quy định tại Điều 67, Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội).

“Chúng tôi cũng cảnh báo cả hai phía, thứ nhất là người có ý định cầm sổ bảo hiểm xã hội để cho vay, kể cả hệ thống ngân hàng, tín dụng tư nhân mà cho vay là rủi ro rất cao. Pháp luật không quy định sổ bảo hiểm xã hội có thể được ủy quyền cho người khác để lĩnh lương hoặc lĩnh trợ cấp một lần, cho nên khi có tranh chấp về pháp luật, người đó sẽ bị chịu phần thiệt. Thứ hai, người lao động có sổ mang cầm cố, chúng tôi sẽ không cấp lại”, ông Chu Minh Tộ cho hay.

Theo nhìn nhận của ông Chu Minh Tộ, tình trạng cầm cố sổ bảo hiểm xã hội là do người lao động thiếu hiểu biết, cần có một khoản tiền nhất định ngay tức thì khi gặp khó khăn kinh tế chứ chưa thể đánh giá đây là hiện tượng lừa đảo và số lượng này cũng không phải là nhiều.

Ông cũng cho rằng, tình trạng cầm cố sổ bảo hiểm xã hội chủ yếu xảy ra với những trường hợp bảo lưu sổ bảo hiểm xã hội, chấm dứt hợp đồng lao động. “Có hiện tượng thì chúng ta phải nghiên cứu để can thiệp ngay. Bước đầu tiên là phải khảo sát đánh giá, và ngay sau Tết, chúng tôi sẽ tham mưu để có thống kê diện rộng trên 63 tỉnh, thành phố”, ông Tộ nói.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam một mặt tiến hành điều tra, thống kê số sổ bảo hiểm xã hội bị cầm cố, mặt khác xây dựng quy trình quản lý sổ bảo hiểm xã hội chặt chẽ hơn./.

>>>Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục