Cẩm nang phát hiện sớm bệnh tay chân miệng

14:07' - 16/11/2017
BNEWS Hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Nhiều trẻ nhập viện điều trị bệnh tay- chân-miệng tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi rút từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.
Nhóm vi rút Enterovirus gồm nhiều loại khác nhau như Poliovirus, Coxsackievirus, Echovirus và các loại Enterovirus khác.
Dấu hiệu phát hiện sớm bệnh tay chân miệng
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng. Những người chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm vi rút do người bệnh chạm vào, không phải ai nhiễm vi rút cũng có biểu hiện của bệnh.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra biến chứng, do đó phụ huynh cần theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo như nôn ói nhiều, ăn uống kém, lở miệng… để đưa trẻ vào bệnh viện kịp thời.
Trẻ có các biến chứng như sốt cao liên tục khó hạ, giật mình chới với, đi đứng loạng choạng, yếu tay chân… có thể dẫn đến tổn thương thần kinh sau này hoặc phụ thuộc vào máy thở.
Với những nốt ban trên người trẻ, không nên bôi hay xức bất kỳ loại thuốc gì, vệ sinh tắm rửa cho trẻ bình thường.
Với những nốt loét trong miệng khiến trẻ đau không nên dùng thuốc rơ miệng có thành phần thuốc tê, bởi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi.
Cách phòng tránh hiệu quả bệnh tay chân miệng

Hướng dẫn cho các cháu 3 tuổi rửa tay bằng xà phòng tại trường Mẫu giáo Tương Mai (Hà Nội). Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN

Tay chân miệng là căn bệnh phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, vài năm lại xảy ra một đợt ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh có quanh năm nhưng số ca nhiễm bệnh có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3- 5 và từ tháng 9-12.
Bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do vi rút khu trú trong phân.
Các bác sỹ cũng cảnh báo, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó quan trọng nhất vẫn là các biện pháp phòng ngừa; cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh; khử trùng thường xuyên các đồ vật mà trẻ hay chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa….

>>> 6 biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh tay chân miệng

>>> Bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục