Căn cứ giải thể sớm những hợp tác xã đã ngừng hoạt động

09:42' - 18/04/2018
BNEWS Nhiều hợp tác xã có hàng chục nghìn thành viên và rất khó quản lý hiệu quả. Do đó, những hợp tác xã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì quy mô cần vừa phải để quản lý hiệu quả.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Cả nước còn gần 800 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể. Việc sớm giải thể những hợp tác xã này là điều cần thiết nhưng phải làm sao để thực hiện được nhanh và hiệu quả nhất. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ với phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình về những hợp tác xã nông nghiệp ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể hiện nay như thế nào?

Ông Ma Quang Trung: Đến hết năm 2017, cả nước có 11.688 hợp tác xã nông nghiệp và 30 liên hiệp hợp tác xã; trong đó, có 3.881 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới. Có 6.650 hợp tác xã nông nghiệp đã đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 362 hợp tác xã chưa đăng ký lại nhưng vẫn đang hoạt động và 795 hợp tác xã ngừng hoạt động.

Số hợp tác xã ngừng hoạt động này có ở 35 tỉnh và tập trung nhiều ở các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lào Cai...

Nguyên nhân các hợp tác xã chưa giải thể được là khi giải thể bị vướng mắc về tài sản không chia. Một số hợp tác xã đã ngừng hoạt động từ lâu, các thành viên không còn ai mà theo quy định khi giải thể phải có thành viên hợp tác xã tham gia hoạt động hợp tác xã đó.

Bên cạnh đó, khi hợp tác xã dừng hoạt động từ lâu nên tài liệu, con dấu bị thất lạc, không thể phục vụ việc giải thể. Đặc biệt là địa phương chưa thực sự quan tâm trong việc giải thể những hợp tác xã này.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo và đã hoàn thành việc giải thể như Trà Vinh, Nam Định… Vấn đề cơ bản là địa phương phải quyết tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Có thể nói những hợp tác xã này dừng hoạt động từ lâu và không nhiều nhưng vẫn tồn tại, đó là những mô hình hợp tác xã kiểu cũ và rất kém hiệu quả. Nếu các hợp tác xã này còn tồn tại người dân sẽ thêm phần không tin tưởng, mặc cảm và ảnh hưởng tới nhận thức khi tham gia hợp tác xã kiểu mới.

Phóng viên: Vậy việc giải thể các hợp tác xã nông nghiệp đã ngừng hoạt động trong thời gian tới cần được triển khai như thế nào?

Ông Ma Quang Trung: Trước hết các tỉnh, thành phố còn những hợp tác xã này phải có kế hoạch cụ thể với những giải pháp, lộ trình triển khai và phải thực hiện giải thể xong trong năm nay.

Về xử lý tài sản không chia, hiện nay Nghị định số 107/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã. Theo đó, tài sản đó sẽ chuyển giao lại cho các tổ chức ở địa phương và ưu tiên giao cho các hợp tác xã mới thành lập để sử dụng, quản lý có hiệu quả. Các tài sản khác có thể thanh lý, phân phối cho thành viên.

Còn những khoản nợ cần được phân loại, với khoản nợ nhà nước kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, những khoản nợ lâu thì phân loại và có thể hòa giải để giải quyết dứt điểm. Nhiều tỉnh đã làm tốt vấn đề này.

Về tài liệu cần thu thập lại để có tư liệu cho giải thể. Những hợp tác xã nào đã dừng hoạt động quá lâu và cũng không còn thành viên nào, nhiều địa phương có sáng tạo là thành lập lại, cử ra một số thành viên trong ban quản lý vào hội đồng giải thể. Đây là việc thành lập để giải thể. Số lượng hợp tác xã này hiện không còn nhiều, tôi cho rằng các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt.

Phóng viên: Sau khi giải thể, có địa phương sẽ thành lập hợp tác xã mới. Vậy theo ông làm thế nào để hợp tác xã mới xây dựng không đi theo lối mòn của hợp tác xã cũ?

Ông Ma Quang Trung: Hướng tổ chức lại sản xuất không chỉ riêng những hợp tác xã này mà trong khoảng 7.000 hợp tác xã đang hoạt động kém hiệu quả có hơn 4.000 hợp tác xã rất đông thành viên chỉ làm dịch vụ đầu vào. Với 4.000 hợp tác xã này đã chuyển đổi hoạt động theo luật mới nhưng vẫn “bình mới rượu cũ”.

Bởi vậy cần thành lập lại theo hướng hợp tác xã chuyên ngành như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… kèm theo đó các hoạt động dịch vụ cần thiết để phục vụ sản xuất như thủy lợi…

Cùng với đó là quy mô lại hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã có hàng chục nghìn thành viên và rất khó quản lý hiệu quả. Do đó, những hợp tác xã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì quy mô cần vừa phải để quản lý hiệu quả. Đặc biệt, hợp tác xã phải sản xuất hàng hóa và liên kết doanh nghiệp. Cách làm là xóa bỏ hoặc tách ra thành lập các tổ hợp tác nhỏ.

Phóng viên: Trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, điều kiện để được công nhận nông thôn mới là phải có hợp tác xã, do đó theo ông có tồn tại việc xây dựng hợp tác xã mới theo hình thức hay không?

Ông Ma Quang Trung: Trước đây việc đánh giá như thế nào là một hợp tác xã, tổ hợp tác hiệu quả theo Thông tư 01/2006/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tiêu chí đánh giá và phân loại hợp tác xã. Thông tư này đánh giá chung cho tất cả hợp tác xã và không phù hợp với hợp tác xã nông nghiệp.

Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Như vậy, việc đánh giá căn cứ vào thông tư này sẽ phản ánh chính xác hợp tác xã nào hoạt động hiệu quả.

Những hợp tác xã nào chỉ thành lập để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sẽ bị loại. Nếu xã nào có nợ cũng phải triển khai bằng được.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam còn có chức năng kiểm toán để minh bạch hoạt động của hợp tác xã. Một trong những nguyên nhân hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả hay người dân không tin tưởng bởi không có sự minh bạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục