Cần hình thành một liên đoàn sản xuất công nghiệp

16:03' - 21/04/2016
BNEWS Các chuyên gia cho rằng, để có thể trụ hạng và phát triển, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam phải biết liên kết, hình thành một liên đoàn sản xuất công nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam phải biết liên kết, hình thành một liên đoàn sản xuất công nghiệp. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đang thực hiện các cam kết với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hội nhập dẫn đến cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà; thể hiện ở 4 mặt: vốn, công nghệ, nhân lực và trình độ quản lý.

Do vậy, để có thể trụ hạng và phát triển, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam phải biết liên kết, hình thành một liên đoàn sản xuất công nghiệp.

Tại diễn đàn Sản xuất và công nghiệp Việt Nam lần thứ nhất năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dow Chemical của Hoa Kỳ tổ chức ngày 21/4, ông Lương Văn Tự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho hay, các doanh nghiệp sản xuất và công nghiệp Việt Nam còn hạn chế về công nghệ. Hầu hết công nghệ đều phải nhập khẩu và trình độ ở mức thấp. Số lượng vốn vay trung và dài hạn cho sản xuất công nghiệp chưa nhiều.

Ngoài ra, ông Tự cũng cho rằng Việt Nam đang rơi vào bẫy của sự chuyển dịch công nghệ lạc hậu hoa hồng cao. Các nước công nghiệp phát triển luôn đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Họ thường xuyên chuyển công nghệ cũ, lạc hậu ô nhiễm sang các nước đang và kém phát triển. Ví dụ như việc nhập nhà máy xi măng lò đứng và mía đường từ Trung Quốc...

Các doanh nghiệp trong nước cũng cần liên kết với doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP đầu tư Căn nhà mơ ước, các doanh nghiệp trong nước đang yếu hơn các doanh nghiệp nước ngoài ở 4 điểm: vốn, công nghệ, nhân lực và trình độ quản lý.

Doanh nghiệp trong nước vay vốn ngắn hạn, lãi suất cao xoay quanh 10%/năm, trong khi doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn dài hạn, lãi suất thấp 1-3%/năm. Các yếu tố khác như công nghệ, nhân lực và quản lý của Việt Nam đều kém hơn các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Đặng Đức Thành cho biết, trước tình hình hiện nay, xuất hiện nhu cầu cần tập hợp các doanh nghiệp chuyên về sản xuất công nghiệp cùng liên kết, hợp tác trong cùng 1 tổ chức ngành nghề đó là: Liên đoàn sản xuất và công nghiệp Việt Nam.

“Mục tiêu hoạt động của liên đoàn này là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực của các ngành sản xuất và công nghiệp Việt Nam; Xây dựng nền sản xuất và công nghiệp tự chủ và cạnh tranh Việt Nam”, ông Thành nói.

Cùng quan điểm này, ông Lương Văn Tự cũng cho hay, liên minh các hiệp hội ngành hàng nhỏ lẻ cần phải đi theo một liên minh các nhà sản xuất công nghiệp mới. Hiện nay, mỗi lĩnh vực trong sản xuất công nghiệp đều có các hiệp hội, nhưng chưa thành một khối liên kết chuỗi, nên vẫn ngành nào biết ngành ấy.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng cần liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để hình thành tổ hợp doanh nghiệp đa quốc gia, tham gia thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Rõ ràng, trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển nhanh, công nghệ thông tin kết nối các nền kinh tế để nâng cao khả năng cạnh tranh, các nhà công nghiệp đã và đang liên kết với nhau ở cấp quốc gia và đa quốc gia, hình thành các tập đoàn lớn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, các liên minh này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nhóm làm thị trường cho nhau, tập trung được nguồn vốn lớn mạnh hơn và nâng cao khả năng nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới; nâng cao khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường, từ đó giữ được độc lập và tự chủ nền kinh tế.

Tại diễn đàn, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, phải chọn đúng ngành nghề thế mạnh, nhiều lợi thế để phát triển; lĩnh vực nào để hỗ trợ và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó phải liên kết với nhau, hình thành một cộng đồng có tính cạnh tranh cao hơn, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay..../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục