Cần "mạnh tay" với thuốc lá lậu

14:47' - 21/08/2015
BNEWS Thuốc lá lậu gây thất thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng/năm, gây mất sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn/năm, gây mất việc làm khoảng 600.000 công lao động/năm. Vì vậy, Chính phủ luôn quan tâm tới hoạt động chống buôn lậu thuốc lá.

Những năm gần đây, công tác chống buôn lậu thuốc lá luôn nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ cùng sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng. Song tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu vào tiêu thụ tại các thành phố công khai.

Theo số liệu mới đây của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, tính từ cuối tháng 9/2014 đến hết tháng 5/2015, các đơn vị chức năng đã bắt giữ được hơn 11 nghìn vụ với 7,8 triệu bao thuốc lá lậu, tăng 28,3% về số vụ và 52,3% về số lượng so với cùng kỳ năm trước. Những nỗ lực này đã giúp số lượng thuốc lá nhập lậu giảm 20%, giá thuốc lá lậu đã tăng khoảng 2.000 đồng/bao.

Tuy nhiên hiện nay, các sản phẩm thuốc lá lậu vẫn còn bày bán công khai và mua bán dễ dàng, số lượng người hút thuốc lá lậu vẫn không hề giảm.

Thu giữ thuốc lá lậu tại cửa khẩu Mỹ Quý Tây huyện Đức Huệ tỉnh Long An

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho biết, thuốc lá lậu gây thất thu ngân sách hàng năm trên 10.000 tỷ đồng, mất sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng là 10.000 hecta), mất việc làm của công nhân, khoảng 600.000 công lao động/năm.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, thuốc lá nhập lậu không phải in cảnh báo sức khỏe, không bị kiểm soát về hàm lượng Tar, Nicotine nên gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Kết quả phân tích của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá thì trong thuốc lá lậu có một số độc tố cấm sử dụng. Hàm lượng Tar, Nicotine đều cao hơn mức thông thường, vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế Việt Nam, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Cũng theo báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, do bị kiểm soát chặt chẽ hơn trên tuyến biên giới đất liền và ở các cửa khẩu đường bộ, các đối tượng đã tiến hành nhập lậu thuốc là bằng hình thức container qua cảng biển.

Điển hình như vụ Cục C46 phối hợp Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan bắt giữ 1 container hơn 100.000 bao tại Tp. Hồ Chí Minh; Hải quan Hải Phòng bắt giữ 1 container hơn 200.000 bao tại cảng Hải phòng…

Tuy nhiên, một số điểm nóng về buôn bán thuốc lá lậu tại Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ và các thành phố lớn vẫn chưa được xóa bỏ một cách triệt để.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu, kinh doanh thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam rất cao, chênh lệch từ 8.000 – 12.000 đồng/bao.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý hình sự đối với các hành vi kinh doanh thuốc lá lậu từ 1.500 bao trở lên, các đối tượng lợi dụng chỉ vận chuyển số lượng thuốc lá nhập lậu dưới 1.500 bao… Điều này gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống tội phạm.

Trung tá Kiều Hữu Việt, đội chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ - Phòng cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội nhận định, thuốc lá nhập lậu gây ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và nguồn thu ngân sách của nhà nước. Các đơn vị chức năng đã nỗ lực, quyết liệt trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, việc nhập lậu số lượng lớn trên địa bàn đã không còn.

Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình

Giá thuốc lá ngoại tăng mạnh đang khiến buôn lậu thuốc lá trở nên khó lường hơn và có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại. Để Chỉ thị 30 đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước và bảo vệ người tiêu dùng, ông Vũ Văn Cường kiến nghị Chính phủ và các Bộ liên quan nghiên cứu điều chỉnh bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, trích 50% Quỹ cho công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá. Hiện tại mỗi năm Quỹ có khoảng 400-500 tỷ đồng, nhưng chưa được sử dụng cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá.

Bên cạnh đó, Chính phủ sớm ban hành quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu với số lượng 500 bao trở lên để tăng tính răn đe và tạo cơ sở để xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong thời gian qua số vụ buôn lậu thuốc lá bị xử lý hình sự chiếm chưa tới 1% tổng số vụ bị bắt giữ.

Cùng ý kiến trên, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ công tác chống buôn lậu, nâng cao hơn nữa chế tài xử lý đối với các hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu. Trong đó, Bộ Công Thương phối hợp các Bộ, ngành liên quan sửa đổi bổ sung nội dung tăng chế tài, giảm số lượng thuốc lá nhập lậu, buôn bán, vận chuyển từ 1.500 xuống còn 500 bao phải bị xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe và thể hiện quyết tâm thực hiện Chỉ thị 30 trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo ông Đinh Tiến Dũng, cần đầu tư trang thiết bị cho các tỉnh trọng điểm buôn lậu thuốc lá đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa kinh phí hỗ trợ cho lượng chống buôn lậu, kêu gọi các dự án đầu tư, phát triển kinh tế vùng biên nhất là các địa bàn trọng điểm buôn lậu thuốc lá. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác hại của thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe cộng đồng và thất thu ngân sách nhà nước.../.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục