Cần môi trường pháp lý để thúc đẩy từ thiện doanh nghiệp

16:48' - 18/03/2016
BNEWS Các tổ chức xã hội dân sự đang ngày càng phát triển ở Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động như từ thiện, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người yếu thế...
Tọa đàm “Chính sách đối với hoạt động từ thiện của doanh nghiệp: Thúc đẩy hay cản trở?”. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS

Ngày 18/3 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan viện trợ Ailen (Irish Aid) tổ chức buổi tọa đàm “Chính sách đối với hoạt động từ thiện của doanh nghiệp: Thúc đẩy hay cản trở?”. Sự kiện thu hút đông đảo giới nghiên cứu, các nhà khoa học, đại diện một số tổ chức quốc tế và nhiều doanh nghiệp.
Đại diện Nhóm nghiên cứu thuộc dự án “Phát triển xã hội dân sự bền vững ở Việt Nam”, ông Hàn Mạnh Tiến đã tóm tắt những đánh giá về môi trường pháp lý và chính sách, nhằm thúc đẩy từ thiện doanh nghiệp và hợp tác giữa khu vực xã hội dân sự với các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Cùng với những phát hiện, ông Tiến nêu 5 nhóm khuyến nghị quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan Chính phủ, các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế và giới doanh nghiệp nhằm tạo ra một môi trường thể chế, chính sách thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia đóng góp từ thiện.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định, các tổ chức xã hội dân sự đang ngày càng phát triển ở Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động như từ thiện, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người yếu thế, phòng chống HIV/AIDS hay bảo vệ môi trường… Đó chính là lý do vì sao các tổ chức xã hội dân sự ngày càng nhận được quan tâm lớn của cộng đồng.
Tuy nhiên, sự hiểu biết của phần đông công chúng về sự tồn tại và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự còn rất mờ nhạt. Nhiều người không hiểu được vai trò, chức năng của tổ chức xã hội dân sự và vì sao các tổ chức này lại cần thiết đối với sự phát triển đất nước.
Nhiều chuyên gia có mặt tại tọa đàm đều có chung quan điểm, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và giới thiệu về các tổ chức xã hội dân sự qua các phương tiện truyền thông đại chúng còn chưa được quan tâm, chú trọng.

Do đó, không chỉ người dân mà rất nhiều doanh nghiệp đều hiểu biết ít về hoạt động của các tổ chức này. Về lý thuyết, mối quan hệ giữa một bên cần nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhân đạo và phát triển với một bên có nhu cầu đóng góp cho các hoạt động đó đáng lý cần phải chặt chẽ và bền vững.

Để tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự nhằm thúc đẩy các hoạt động từ thiện, theo Nhóm nghiên cứu cần thay đổi nhận thức xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước, và khu vực doanh nghiệp về vai trò, trách nhiệm và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đóng góp từ thiện và hỗ trợ cộng đồng. Những doanh nghiệp tích cực tham gia từ thiện cần được vinh danh.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự, tạo tiền đề để khu vực này phát triển bền vững và thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp.

Hơn nữa, cần xác lập chính thức địa vị pháp lý và vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội dân sự trong sự phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Đi đôi với việc hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo cho khu vực xã hội dân sự hoạt động một cách bình đẳng và minh bạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục