Cần quy hoạch khu bảo tồn tôm hùm

17:16' - 17/08/2015
BNEWS Viện trưởng Viện Hải dương học Võ Sĩ Tuấn đề xuất, cần bảo tồn tôm hùm ở các khu bảo tồn biển có loại tôm này sinh sống thông qua việc hạn chế khai thác, tạo môi trường thuận lợi để tôm sinh sản.

Hiện nay, nghề nuôi tôm hùm đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là một số tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm, việc khai thác tôm hùm giống và nuôi thương phẩm chưa được quản lý chặt chẽ, không chủ động được nguồn giống do chưa sản xuất được giống nhân tạo.

Quy mô nuôi nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống, dịch bệnh xảy ra thường xuyên chưa được kiểm soát, thức ăn cho tôm hùm chủ yếu là cá tạp và cua sò nên gây ô nhiễm môi trường, giá tôm hùm thương phẩm liên tục giảm do chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa.

Nghề nuôi tôm hùm ở miền Trung. Ảnh: Nguồn Internet

Ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm hùm nhằm nâng cao sản lượng, giảm thiểu tác động của điều kiện tự nhiên, đồng thời nghiên cứu giải pháp giảm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, cải tiến kỹ thuật, mật độ nuôi, kiểm soát thức ăn dư thừa.

Trước tình trạng tôm hùm đang bị khai thác cạn kiệt, Viện trưởng Viện Hải dương học Võ Sĩ Tuấn đề xuất, cần bảo tồn tôm hùm ở các khu bảo tồn biển có loại tôm này sinh sống thông qua việc hạn chế khai thác, tạo môi trường thuận lợi để tôm sinh sản.

Theo đại diện Trung tâm giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên, phải thành lập một tổ chức để bảo vệ quyền lợi những người nuôi tôm hùm thương phẩm. Vì thị trường chính xuất khẩu tôm hùm vẫn là Trung Quốc, khi thị trường này hạn chế tiêu thụ thì người nuôi tôm hùm bị ép giá, lúc đó không có tổ chức nào đứng ra bảo quyền lợi cho họ.

Theo Tổng cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển nhanh từ năm 2000 đến nay, tập trung chủ yếu ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ với trên 53.000 lồng, sản lượng gần 1.600 tấn.

Theo Tổng cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển nhanh từ năm 2000 đến nay, tập trung chủ yếu ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ với trên 53.000 lồng, sản lượng gần 1.600 tấn; trong đó Khánh Hòa là tỉnh nuôi tôm hùm nhiều nhất với gần 28.500 lồng, sản lượng trên 880 tấn, tiếp đến là Phú Yên trên 23.600 lồng, sản lượng 630 tấn.

Nguyên Lý

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục