Cần Thơ mời gọi đối tác ngoại đầu tư Trung tâm logistics cấp vùng

20:07' - 19/07/2017
BNEWS Cần Thơ sẽ mời gọi đối tác Singapore hoặc Nhật Bản đầu tư vào Trung tâm logistics cấp vùng tại Khu đô thị công nghiệp Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Thông tin trên được ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết tại buổi họp bàn các giải pháp thu hút đầu tư vào Trung tâm logistics cấp vùng do UBND thành phố tổ chức ngày 19/7.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Trung tâm logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Cần Thơ có diện tích 242,2 ha, bao gồm: cảng, bãi container, khu nhập hàng và phân phối hàng, khu ngoại quan, khu dịch vụ…
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư và khai thác Trung tâm logistics Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ đề xuất 2 phương án. Trong đó phương án 1 sẽ mời gọi đối tác Singapore có năng lực và kinh nghiệm để đầu tư, khai thác, kết nối với cảng Singapore vận chuyển hàng hóa đi các nước trong khu vực và thế giới.
Phương án 2 là mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư của Nhật Bản. Theo ông Toại, Nhật Bản là quốc gia có năng lực, kinh nghiệm trong khai thác trung tâm logistics và có uy tín cao trong kết nối vận chuyển hàng hóa từ Trung tâm logistics Đồng bằng sông Cửu Long đến Singapore và các nước trên thế giới.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đề nghị Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan cần xác định rõ với điều kiện phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long thì trung tâm logistics này bao gồm những gì và khác với những trung tâm ở phía Bắc thế nào.
Ông Nam cho rằng, logistics là một hoạt động dịch vụ nên khi quy hoạch khu logistics thì các mặt hàng chủ lực, hệ thống giao thông kết nối, vận chuyển hàng, đấu nối với đường bộ, đường sắt, đường hàng không như thế nào phải được xác định rõ. Trên cơ sở đó mới có thể xác định được Trung tâm logistics Đồng bằng sông Cửu Long cần các hoạt động dịch vụ gì để đề xuất các hình thức khai thác phù hợp và tiến hành thu hút, mời gọi nhà đầu tư.
Theo Quyết định 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu vực Tiểu vùng kinh tế trung tâm đồng bằng sông Cửu Long có một Trung tâm logistics hạng II có quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang; kết nối với các cảng cạn, cảng sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục