Cần Thơ sẽ di dời bến xe 91B vào cuối năm

17:55' - 05/04/2018
BNEWS Cần Thơ sẽ kiên quyết di dời bến xe 91B vào cuối năm 2018.

Tại cuộc họp với các sở, ban, ngành về phát triển thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách trên địa bàn được tổ chức ngày 5/4, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ cho biết, sẽ kiên quyết di dời bến xe 91B vào cuối năm 2018.

Theo ông Đào Anh Dũng, UBND Tp. Cần Thơ đã có chủ trương triển khai giai đoạn 2 Bến xe Nam Cần Thơ. Do đó, cuối năm 2018 sẽ phải di dời toàn bộ bến xe 91B trên đường Nguyễn Văn Linh về Bến xe Nam Cần Thơ nằm trên địa bàn quận Cái Răng.

Trong lần gia hạn thứ 3, Bến xe 91B được UBND Tp. Cần Thơ cho phép tiếp tục hoạt động đến ngày 31/12/2018 trước khi phải di dời.

Bến xe Nam Cần Thơ là bến xe loại 1 còn Bến xe 91B là bến xe loại 2 và hiện cả hai bến xe này vẫn đang hoạt động song song. Bến xe Nam Cần Thơ giai đoạn 1 có diện tích 10 ha, hiện nay mới chỉ có vài đơn vị khai thác.

Trong khi đó, Bến xe 91B đã quá tải từ lâu, thường xuyên ùn tắc do lưu lượng xe ra vào bến lớn.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Tp. Cần Thơ, địa phương này hiện có 6 bến xe khách; trong đó, 2 bến công bố theo quy định và 4 bến chưa được công bố theo quy định tại Thông tư số 49/2012/TT-BGTVT và Thông tư số 73/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Cụ thể, 2 bến xe được công bố là Bến xe khách Trung tâm Tp. Cần Thơ (Bến xe Nam Cần Thơ) và Bến xe khách Tp. Cần Thơ (Bến xe 91B).

Cả hai bến xe này đều thuộc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ. Còn lại 4 bến xe chưa được công bố theo quy định tại 2 thông tư của Bộ Giao thông Vận tải là Bến xe Ô Môn, Bến xe Cờ Đỏ, Bến xe Thốt Nốt và Bến xe Phong Điền.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Cần Thơ Lê Tiến Dũng, mặc dù cơ quan này đã triển khai thực hiện các quy định nhưng đến nay 4 bến xe nói trên vẫn chưa được công bố theo quy định.

Do đó, để đảm bảo hoạt động kinh doanh bến xe khách trên địa bàn Cần Thơ đúng quy định trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải đề nghị các ngành chức năng của thành phố có ý kiến việc duy trì hoạt động của 4 bến xe tại các quận Ô Môn, Cờ Đỏ, Thốt Nốt và huyện Phong Điền để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Bà Trần Thị Xuân, Phó trưởng Ban An toàn giao thông Tp. Cần Thơ cho rằng, có thể cho các bến tiếp tục hoạt động. Theo bà Xuân, 4 bến hiện hữu đang hoạt động dù chưa được công bố nhưng cũng đã đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian qua.

Trong thời gian thành phố đang xây dựng các quy định, bà Xuân đề nghị các lực lượng chức năng lưu ý vấn đề an toàn giao thông ở các bến xe chưa được công bố, đặc biệt là bến xe Ô Môn.

Theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ Đào Anh Dũng, từ khi triển khai quyết định quy hoạch bến xe khách trên địa bàn đến nay còn nhiều bất cập. Do vị trí không phù hợp nên mặc dù đã có nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có bến xe nào triển khai được.

Cụ thể, theo ông Dũng, vị trí quy hoạch Bến xe Ô Môn chưa có đường nên không thể thực hiện. Tương tự, Bến xe Cờ Đỏ được quy hoạch hướng đường vành đai của trung tâm thị trấn Cờ Đỏ nhưng đến nay tuyến vành đai này vẫn chưa có.

Ông Dũng đồng ý cho rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch bến xe ở 3 quận là Ô Môn, Thốt Nốt và Cờ Đỏ. Riêng Bến xe Phong Điền tiếp tục triển khai, không có điều chỉnh.

Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ nhìn nhận, thành phố chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Giao thông Vận tải đối với các bến xe khách đang hoạt động. Vì chưa đầu tư được bến xe mới nên không thể đóng cửa các bến xe này, để tránh phát sinh tình trạng xe dù bến cóc.

Mặc dù cho phép các bến xe chưa được công bố tiếp tục hoạt động nhưng ông Đào Anh Dũng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm các quy định, làm sao đảm bảo an toàn giao thông; cùng với chủ bến thống nhất, tính toán đường ra vào, chỗ đậu đỗ rước khách hợp lý. “Tuy thành phố cho hoạt động nhưng bến nào lung tung thì sẽ bị xử lý”, ông Đào Anh Dũng nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục