Cần thu gọn đầu mối các chương trình mục tiêu quốc gia

16:22' - 22/10/2015
BNEWS Theo báo cáo của Chính phủ, trong những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia đã tác động tích cực đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, tính bền vững của chương trình còn chưa cao.

Triển khai Nghị quyết số 13/2011/QH13 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ đã triển khai thực hiện 16 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn này.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đánh giá việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia những năm qua có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, tính bền vững của chương trình còn chưa cao.

* Tính bền vững chưa cao

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Chính phủ đã chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế qua quá trình triển khai. Do số lượng Chương trình nhiều, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế, vì vậy, bên cạnh một số mục tiêu đạt kế hoạch dự kiến (như số xã đạt tiêu chí nông thôn mới dự kiến đạt 20%, tỷ lệ hộ nghèo cả nước dự kiến giảm bình quân 2%/năm) có một số mục tiêu đạt thấp so với dự kiến.

Mục tiêu “Số làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường” và mục tiêu “Cải thiện và phục hồi môi trường cho những khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra” của Chương trình mục tiêu quóc gia Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường mới hoàn thành 23,4% và 18% so với mục tiêu được phê duyệt đến năm 2015.

Mục tiêu “Hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho các di tích quốc gia” của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mới đạt 52%. Bên cạnh đó, một số mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đánh giá được mức độ hoàn thành so với mục tiêu được phê duyệt.

Qua triển khai cho thấy, việc phối hợp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giữa các đơn vị được giao quản lý các thành phần còn nhiều hạn chế. Các Chương trình có xu hướng được vận hành độc lập và không được kết hợp lại để đạt được những kết quả lớn hơn.

Việc phê duyệt từng dự án thành phần thực hiện chậm đã ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương, đặc biệt là kế hoạch tổng thể thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cho cả giai đoạn.

Cơ chế điều phối và phối hợp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được Chính phủ đánh giá còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa Tung ương và địa phương trong việc lập kế hoạch về nguồn vốn và mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Việc phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp với cơ quan quản lý và cơ quan thực hiện Chương trình ở Trung ương và địa phương chưa rõ ràng trong phân công trách nhiệm, cưa đạt được sự thống nhất trong đầu mối quản lý chung các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Các Bộ quản lý, các cơ quan thực hiện Chương trình còn chậm trễ trong việc thực hiện các yêu cầu về công tác báo cáo; thiếu sự phối hợp trong công tác lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát thực hiện...

Mặc dù trong quy chế về quản lý, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia đã quy định về việc các địa phương tổ chức lồng ghép và phối hợp các nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án trên cùng địa bàn để tránh chồng chéo, giảm bớt đầu mối và tập trung nguồn lực để thực hiện một số mục tiêu ưu tiên nhưng việc ban hành văn bản hướng dẫn lồng ghép từ cấp Trung ương mới chỉ thực hiện được ở một số Chương trình có cùng mục tiêu.

Đánh giá công tác lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy, hầu hết các địa phương mới thực hiện được việc lồng ghép và huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu của xây dựng nông thôn mới, còn lại rất ít địa phương thực hiện tốt công tác lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa Chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình, dự án khác trên địa bàn.

Các chương trình mục tiêu quốc gia cần được thu gọn đầu mối. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Việc lồng ghép thực tế tại các địa phương đã có báo cáo, thực chất chỉ là phép tính cộng dồn nguồn vốn từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn...

Chính phủ nhận định kết quả của một số chương trình còn chưa vững chắc, tính bền vững của chương trình còn chưa cao. Các địa phương gặp khó khăn trong việc duy trì kết quả thực hiện của Chương trình do thiếu kinh phí hoạt động khi chuyển sang hoạt động thường xuyên của ngành. Việc quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư thiếu bền vững do hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức.

* Tổ chức lại việc đầu tư các Chương trình

Để tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của xã hội, tạo điều kiện cho địa phương, cơ sở chủ động trong lồng ghép đầu tư trên địa bàn, nâng cao hiệu quả đầu tư, Chính phủ kiến nghị tổ chức lại việc đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo hướng gom thành 2 Chương trình gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn, xã; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; ...

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu;...

Ngoài ra, quy trình phân bổ và sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phải được kiểm soát chặt chẽ và quy định rõ ràng hơn trách nhiệm giữa các cấp ngân sách.

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên để thực hiện và phân bổ nguồn lực để thực hiện chương trình nhưng phải đảm bảo nguyên tắc kế hoạch thực hiện các mục tiêu của chương trình, kế hoạch phân bổ và sử dụng nguồn vốn phải được xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương phải được thống nhất với kế hoạch thực hiện chung của từng Chương trình; trong đó có sự thống nhất về mục tiêu thực hiện các kết quả đầu ra.

Tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.../.

Quỳnh Hoa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục