Cần trên 10 tỷ USD và hơn 100 năm để làm sạch bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam

15:21' - 31/03/2016
BNEWS Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hàng ngày đối với người dân.
Cần trên 10 tỷ USD và hơn 100 năm để làm sạch bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Nhân Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 4/4, sáng 31/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp báo, thông tin công tác khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian qua.

Ông Lưu Hồng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hàng ngày đối với người dân; là vấn đề nhức nhối đối với chính phủ nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất đai và con người bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng bom mìn, vật nổ.

Chỉ tính riêng số bom mìn, vật nổ từ năm 1945 đến 1975 do quân đội đối phương sử dụng ở Việt Nam đã lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo ước tính, ở nước ta, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn; trên 20% diện tích đất đai toàn quốc bị ô nhiễm bom mìn; hơn 100 nghìn nạn nhân bom mìn.

Phần lớn nạn nhân của bom mìn đều là lao động chính trong gia đình hoặc lứa tuổi tương lai của đất nước. Hậu quả do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ảnh hưởng rất lớn đến con người, đời sống xã hội, nền sản xuất nông nghiệp và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương và một số tổ chức phi chính phủ thực hiện một cách hiệu quả. Việc tái định cư được Chính phủ quan tâm bằng những chương trình, dự án cụ thể tại các địa phương…

Tuy nhiên, để làm sạch hết bom mìn con sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, ước tính cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thông tin về việc xây dựng khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật; việc thực hiện các chính sách trợ giúp với nạn nhân bom mìn; phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn…

Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đang tích cực kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cùng chung tay khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục