Cần xác định thế mạnh về cây dược liệu ở từng địa phương để phát triển

20:23' - 15/12/2017
BNEWS Ngày 15/12, tại thành phố Lào Cai, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Y tế và tỉnh Lào Cai tổ chức "Hội nghị phát triển dược liệu vùng Tây Bắc".

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Hầu A Lềnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu, có điều kiện để hình thành và phát triển công nghiệp dược liệu. Xu hướng gia tăng việc sử dụng thuốc và các sản phẩm về dược liệu trên thế giới hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội cho ngành dược liệu nước ta phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, những năm qua Việt Nam luôn khuyến khích phát triển công nghiệp dược liệu và y học cổ truyền. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ngành dược liệu phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị kinh tế. Số lượng các doanh nghiệp dược còn ít, đa số quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế.

Do vậy, theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, để triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển cây dược liệu tại vùng Tây Bắc cần đánh giá đúng, toàn diện thực trạng, tiềm năng phát triển dược liệu trên địa bàn vùng Tây Bắc. Từ đó, xác định các loại dược liệu để phát triển của từng địa phương, của vùng Tây Bắc, đề ra phương thức, giải pháp trồng, sản xuất, tiêu thụ dược liệu trên địa bàn. Trên cơ sở đó sẽ thống nhất một số giải pháp phát triển cây dược liệu; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù để tăng cường việc quản lý, phát triển dược liệu bền vững trên cơ sở phát huy vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương với các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà nông trong phát triển dược liệu.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu các bộ, ban ngành bám sát, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu thực tế mà Tây Bắc đang đặt ra; cần nghiên cứu để xây dựng được bản đồ quy hoạch các loại dược liệu; cần xác định thế mạnh về cây dược liệu ở từng địa phương để phát triển. Ngoài ra, cần xây dựng được chuỗi giá trị gia tăng từ ươm giống, trồng đến chế biến và tiêu thụ dược liệu; đề ra được giải pháp tổng thể về trồng, khai thác, chế biến, sử dụng dược liệu của vùng Tây Bắc.

Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng và thế mạnh về cây dược liệu, là vùng tập trung rất nhiều loài cây dược liệu phân bố trong tự nhiên. Với hơn 500 loài cây dược liệu và vốn tri thức bản địa quý giá, trong đó có nhiều loại cây dược liệu quý, hiếm có giá trị y dược rất cao, như tam thất hoang, sâm hoàng liên, đảng sâm, ngưu tất, kim tuyến, cây mật gấu, chè dây, giảo cổ lam, đỗ trọng… Tây Bắc cũng là địa bàn sinh sống của cộng đồng hơn 30 dân tộc, có một kho tàng kinh nghiệm quý báu về chế biến và sử dụng cây thuốc của đồng bào các dân tộc.

Thực tế cho thấy, trồng dược liệu quý cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa và các cây lương thực khác. Đơn cử, trồng đương qui thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm, trồng Atiso cho mức thu từ 60-80 triệu đồng/ha/năm. Trong khi trồng lúa chỉ cho thu nhập từ 20-40 triệu đồng/ha /năm. Chính vì vậy, việc phát triển cây dược liệu sẽ là cơ hội để các tỉnh vùng Tây Bắc xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ cây dược liệu, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế, giúp các tỉnh vùng Tây Bắc phát triển bền vững.

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương, doanh nghiệp nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu cũng đã nêu những khó khăn, thách thức trong việc phát triển cây dược liệu vùng Tây Bắc; trong đó, chủ yếu là những khó khăn về điều kiện tự nhiên, như địa hình hiểm trở đi lại khó khăn. Đây cũng là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mùa đông tuyết rơi, sương muối, thiếu nước, mùa hè mưa lũ ngập lụt… ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển cây dược liệu. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn và chưa đồng bộ; kỹ thuật canh tác còn kém, năng suất và chất lượng chưa cao; công tác bảo tồn nguồn gen chưa đáp ứng được nhu cầu, khoa học công nghệ còn lạc hậu, chưa được đầu tư đúng mức…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục