Cảnh báo tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5

09:19' - 11/10/2017
BNEWS Thiếu biển chỉ dẫn giao thông, vạch kẻ đường bị cào mất do quá trình duy tu, bảo dưỡng là một vài nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương.
Một vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5. Ảnh: Hiền Anh-TTXVN

Theo Sở Giao thông Vận tải Hải Dương, Quốc lộ 5 chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương dài 44km, bắt đầu từ Km33+720 thuộc địa bàn xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang đến Km77+830 thuộc địa bàn xã Kim Lương, huyện Kim Thành.

Mỗi ngày, tuyến đường này "oằn mình" gánh hàng chục nghìn lượt xe lưu thông, tuy nhiên, hạ tầng càng ngày càng xuống cấp, thiếu sự đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên Quốc lộ 5 luôn xảy ra hàng loạt các vụ tai nạn giao thông gậy thiệt hại không nhỏ về con người và kinh tế.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, hàng chục vụ tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ này đã xảy ra. Mỗi vụ tai nạn nếu may mắn không gây thiệt hại về người thì gây ách tắc nhiều km. Đặc biệt, trong 2 tháng gần đây, mỗi tháng, trên tuyến Quốc lộ này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, khiến ít nhất 4 người thương, vong.

Hiện Quốc lộ 5 là một trong những tuyến đường xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất trong các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương.

Nguyên nhân đầu tiên là do tuyến đường này bị hằn lún vệt bánh xe và theo kết quả kiểm tra hiện trường của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe với diện tích vào khoảng 37.000 m2 (tương đương với 4.930 mét của 2 làn xe chạy theo cùng chiều; khối lượng hằn lún tập trung nhiều ở khu vực Km 38 – Km 50 khu vực thành phố Hải Dương. So sánh hai chiều cho thấy, hiện tượng hằn lún ở chiều Hải Phòng – Hà Nội lớn hơn chiều ngược lại.

Để xử lý tình trạng này, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), đơn vị được giao quản lý, bảo trì và tiến hành thu phí để bù đắp kinh phí xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đã cào bạt tạo phẳng các vị trí hằn lún sâu trên tuyến Quốc lộ này.
Tuy nhiên, Vidifi tiến hành cào vệt hằn lún kết hợp cào luôn cả vạch sơn kẻ đường, các điểm được “cải tạo” để lại các vết cào gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông và tại các điểm giao cắt, cũng như toàn tuyến, các vạch sơn kẻ đường đã được cạo mất luôn.

Anh Đặng Quang Hiệp, làm việc tại Khu công nghiệp Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng cho biết, ngày nào anh cũng đi trên tuyến quốc lộ 5, nhưng vạch kẻ đường quá mờ, thậm chí nhiều điểm còn không có vạch kẻ đường khiến anh không biết điều khiển phương tiện như thế nào để có thể đảm bảo đúng làn đường tránh vi phạm Luật Giao thông. Cùng với đó, mặt đường bị cào nát làm cho anh điều khiển xe cũng rất khó khăn, dễ gây tai nạn giao thông.
Trung tá Đỗ Quốc Tuấn, Trạm phó Trạm cảnh sát giao thông Hải Dương, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục các bất cập nhằm làm giảm thiều tai nạn giao thông trên tuyến.
Đặc biệt từ khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy chuẩn 41:2016/BGTVT về quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ thì việc nhắc nhở, xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông gặp không ít khó khăn như hệ thống biển báo thay đổi, đồng thời, đơn vị duy tu, bảo dưỡng sau khi vào bóc mặt đường đã không sơn trả lại mặt đường khiến người tham gia giao thông không thể phân biệt đường phần đường và làn đường khi tham gia giao thông.
Theo quan sát của phóng viên TTXVN, cả tuyến quốc lộ đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương gần 44km nhưng hầu như rất ít đoạn có vạch sơn chỉ dẫn làn đường hoặc có nhưng mờ.
Tại các nút giao cắt, dù được lắp đặt đèn tín hiệu nhưng không có vạch sở chỉ dẫn, phân làn nên các phương tiện và người tham gia giao thông dừng xe lung tung, chen chúc, lấn làn khiến nhiều đoạn luôn rơi vào tình trạng ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm nhất là tại các điểm giao có đèn tín hiệu không đồng mức như điểm giao cắt trước cổng Khu công nghiệp Đại An, thành phố Hải Dương, điểm giao cắt tại ngã tư Ghẽ, huyện Cẩm Giàng, điểm giao cắt phố Mao, Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng….
Không những thế, trên suốt tuyến đường đoạn chạy qua tỉnh Hải Dương có quá ít các biển chỉ dẫn giao thông về phần đường, làn đường. Dọc Quốc lộ 5 chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương chỉ có một vài biển báo lắp trên các giá long môn hoặc thành cầu vượt, trong khi đó qua các ngã tư, điểm giao cắt, tại các khu vực đông dân, điểm đấu nối từ các tuyến tỉnh lộ ra Quốc lộ 5… đều không có biển nhắc lại mặc dù ngay sau đó có rất nhiều thành cầu vượt.
Từ những bất cập trên dẫn đến việc xử lý các vi phạm về tốc độ, sai làn đường, phần đường của lực lượng cảnh sát giao thông gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào giờ cao điểm, khi công nhân ở các khu công nghiệp tan ca, mật độ tham gia giao thông tại các điểm giao cắt tăng cao đột biến.
Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan hữu quan của Hải Dương cũng đã có nhiều công văn đề xuất, kiến nghị các đơn vị có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ xử lý hằn lún, dải phân cách trên tuyến Quốc lộ 5, nhất là việc sơn lại vạch kẻ đường, lắp đặt thêm biển báo phân làn... nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng, khiến tuyến đường này luôn tiềm ẩn mất an toàn giao thông, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng thi hành công vụ.
Quốc lộ 5 được đầu tư xây dựng từ năm 1996-1998 bằng vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước do Ban quản lý dự án 5 quản lý điều hành. Tuyến đường hoàn thành đưa vào khai thác năm 1998. Đến 1/1/2016 được bàn giao cho Nhà đầu tư Vidifi quản lý bảo trì bằng vốn của Vidifi./.

>>> Né trạm thu phí Quốc lộ 5, các xe tải trọng lớn "băm nát" đường 380

>>> Cấm xe trọng tải trên 30 tấn đi vào đường tỉnh lộ né trạm thu phí quốc lộ 5

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục