Cắt giảm 5% chi phí sau thẩm tra, thẩm định thiết kế, dự toán

10:15' - 15/01/2016
BNEWS Có những công trình tỷ lệ cắt giảm chi phí lên tới 20%, trong khi tỷ lệ phải cắt giảm chi phí dự toán đang giảm dần theo năm
Tăng cường công tác quản lý để giám sát chặt chẽ nguồn vốn nhà nước tại các dự án. Ảnh: TTXVN.

Việc cắt giảm chi phí các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước sau thẩm tra, thẩm định được thực hiện từ năm 2013 đến nay theo Nghị định 15 và Luật Xây dựng 2014 đã giúp tiết kiệm nguồn vốn nhà nước; đồng thời phòng ngừa được rủi ro về chất lượng công trình.

Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu thống kê tập hợp từ 20 địa phương trên toàn quốc, năm 2015, tổng số các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà Bộ Xây dựng và các địa phương thẩm định là 1.204 dự án.

Tổng mức đầu tư trước khi thẩm định là 49.631 tỷ đồng nhưng sau khi thẩm định đã cắt giảm xuống còn 48.736 tỷ đồng. Nguồn vốn đã cắt giảm 895 tỷ đồng – tương đương 1,8%.

Cùng đó, trong số 4.587 công trình phải thẩm định thiết kế dự toán cũng cắt giảm được 1.585 tỷ đồng trên tổng giá trị 31.562 tỷ đồng, tương đương 5,02%; trong đó, tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế do Bộ Xây dựng thẩm định khoảng 17,5% và do các địa phương thực hiện khoảng 26,4%.

Kể từ khi thực hiện việc thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán theo quy định tại các Nghị định và Luật, tỷ lệ cắt giảm năm 2013 cao nhất với 2.841 tỷ đồng, tương đương 9,2%. Tiếp đến năm 2014 tỷ lệ này là 5,39% - khoảng 5.833 tỷ đồng và tiếp tục giảm xuống 5,02% vào năm 2015.

Đáng chú ý, có những công trình tỷ lệ cắt giảm chi phí lên tới 20%. Trong khi tỷ lệ phải cắt giảm chi phí dự toán đang giảm dần theo năm chứng tỏ các chủ đầu tư đã tự điều chỉnh cho sát thực tế thì tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế vẫn tăng.

Năm 2013 tỷ lệ này vào khoảng 25%, năm 2014 nhảy vọt lên 43,8% và về con số 26,4% trong năm 2015. Điều này cho thấy sự sát sao của các cơ quan chức năng trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế - khâu đầu tiên nhưng rất quan trọng. Nhờ đó, chất lượng công trình ngày càng được cải thiện và giúp phòng ngừa sự cố rủi ro.

Thời gian tới, cùng với việc phối với các địa phương, Bộ ngành liên quan thực hiện đổi mới và tăng cường công tác quản lý để giám sát chặt chẽ nguồn vốn nhà nước tại các dự án, Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn chủ đầu tư và nhà thầu xử lý tình huống vướng mắc trong quản lý dự án, hợp đồng xây dựng, điều chỉnh tổng mức đầu tư; hướng dẫn, xử lý các vướng mắc do biến động giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục