Cầu treo Khe Tây chưa hiệu quả vì thiếu đường dẫn

11:38' - 14/08/2015
BNEWS Kinh phí xây dựng Cầu treo Khe Tây tốn đến 3,5 tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ 2 hộ dân tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.

 Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường vừa dẫn đầu đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có buổi làm việc với người dân và các cơ quan, ban ngành liên quan của tỉnh Hà Tĩnh về vụ cầu treo "Khe Tây 3,5 tỷ đồng chỉ phục vụ 2 hộ dân” tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.

Trước buổi làm việc ngày 13/8, đoàn công tác đã đi thực địa để khảo sát cây cầu này và tìm hiểu các hộ dân được cho là sẽ được hưởng lợi từ cầu treo Khe Tây. Sau cuộc khảo sát, đoàn đã đến hội trường UBND xã Sơn Thọ để nghe phản ảnh của người dân và giải trình của các ban ngành.

Phản ánh của người dân về vụ cầu treo Khe Tây. Ảnh: Quang Toàn/TTXVN.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Năng Thể, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) – đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư dự án cầu treo dân sinh giai đoạn 1 và ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tĩnh khẳng định cầu treo Khe Tây xây dựng vị trí hiện tại là phù hợp, đúng theo quy trình sau khi đã có kết quả của đơn vị tư vấn giám sát.

Theo ông Nguyễn Năng Thể, cầu treo Khe Tây nằm trong đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh giai đoạn 1 để đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên của Bộ Giao thông Vận tải. Việc xây dựng cầu treo Khe Tây là phù hợp với các tiêu chí của đề án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Tại buổi làm việc, có 6 ý kiến của 6 hộ dân, đại diện cho 26 hộ dân được cho là hưởng lợi từ dự án xây cầu treo Khe Tây. Theo ý kiến của các hộ dân này, việc xây cầu treo Khe Tây là phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng đi lại, đặc biệt là giúp bà con không bị cô lập mỗi khi có lũ về. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đa phần người dân chưa thể đi lại trên cầu này vì con đường nối từ thôn 6 của xã Sơn Thọ với cầu treo Khe Tây chưa có.

Cầu treo Khe Tây 3,5 tỷ đồng chỉ phục vụ 2 hộ dân” tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Quang Toàn/TTXVN

Sau khi nghe ý kiến của người dân, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh, UBND huyện Vũ Quang và UBND xã Sơn Thọ thừa nhận vì đường nối liền từ các hộ dân đến cầu treo Khe Tây chưa được thi công nên hiện chỉ có 2 hộ dân được hưởng lợi từ việc xây cầu, riêng 24 hộ dân còn lại của thôn 6 thì còn phải chờ làm đường nối liền cầu mới được hưởng lợi, nhưng thi công đường này khi nào thì chưa có ngày tháng cụ thể vì chưa có vốn.

Giải thích về việc thiếu vốn để xây đường nối liền từ cầu Khe Tây đến 24 hộ dân còn lại, ông Bùi Việt Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết, đường liên thôn kết nối cầu treo Khe Tây đã được huyện quy hoạch từ năm 2011 và năm 2014, con đường này đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt với kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì chưa có kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể thi công.

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Quản lý xây dựng Đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, thực tế mới chỉ có vài hộ hộ dân được hưởng lợi khi cầu treo Kheo Tây hoàn thành, còn hàng chục hộ khác chưa thể đi trên cầu là do địa phương chưa làm đường kết nối.

“Hiện không chỉ cầu treo Khe Tây mà nhiều cầu khác trong dự án 186 cầu treo xây dựng trên 28 tỉnh thành cả nước đều có chuyện cầu xây xong mà chưa có đường. Theo đề án được phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ có nhiệm vụ xây cầu còn đường kết nối là do địa phương tự lo.”- ông Nguyễn Trung Sỹ cũng thừa nhận.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, hiện tại cầu Khe Tây chưa phát huy được hiệu quả và đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm bố trí kinh phí để làm đường cho các hộ dân còn lại được đi ra cầu treo này.

Trước đó, theo khảo sát thực tế của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, cây cầu này chưa có sự đi lại của nhân dân mặc dù đã khánh thành được gần 2 tháng, lý do là chưa có đường kết nối với cầu, người dân muốn đi qua cầu treo thì phải lội qua một khe suối hoặc trèo qua nương rẫy rất vất vả./.

Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục