Cây cao su ở Đông Nam Bộ- Bài 1: Tiểu điền chuyển đổi, đại điền ổn định

09:38' - 29/11/2015
BNEWS Do giá mủ cao su xuống thấp từ 50.000 đồng/kg ở thời điểm năm 2012, đến nay chỉ còn hơn 10.000 đồng/kg khiến không ít nông hộ tiểu điền và doanh nghiệp cao su các tỉnh Đông Nam bộ đang gặp khó khăn.

Hàng chục ha cao su tại xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu trồng dưới ruộng nước kém hiệu quả, bị bỏ hoang. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Nhiều công ty cao su ở Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… phải hạn chế chăm sóc, khai thác mủ. Một phần diện tích cao su già đã bị chặt để tái canh trồng giống mới. Một phần diện tích cao su tiểu điền (trên dưới 5 ha) của người dân cũng phải chuyển đổi sang cây trồng khác.

Khu vực Đông Nam bộ có hơn 537.000 ha cao su. Trong đó, tỉnh Bình Phước có 232.000 ha, Bình Dương có 133.000 ha, Tây Ninh 98.000 ha, Đồng Nai hơn 49.000 ha và Bà Rịa - Vũng Tàu là 25.000 ha.

Năm 2006, giá cao su tăng vọt, mang lại lợi nhuận cao đã khiến nhiều người dân đổ xô vào trồng cao su. Đến năm 2010, diện tích cao su cả nước đạt 700.000 ha, đến cuối năm 2013 đạt 978.000 ha, vượt quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là 178.000 ha.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2014 đến năm 2015, cả nước có hơn 6.000 ha cao su bị chặt bỏ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác như cây ăn trái, khoai mì (sắn), các loại cây họ đậu, tiêu, điều…

Trong đó, tỉnh Bình Phước, Tây Ninh có diện tích chặt bỏ nhiều nhất mỗi tỉnh là 1.700 ha, tập trung chủ yếu vào diện tích của các hộ sản xuất tiểu điền (dưới 5ha).

Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, do không tìm hiểu kĩ thông tin nên nông dân quyết định chuyển sang trồng cây cao su trên diện tích hiện có, mà không quan tâm đến đặc điểm thổ nhưỡng và tính chất phù hợp.

Nhiều hộ tự ý trồng cao su trên khu vực đất có mực nước cao, hoặc vùng đất chỉ thích hợp với sản xuất hoa màu nên khi cây phát triển, rễ bị ngập nước, dễ nhiễm bệnh, năng suất thấp, dẫn tới thu nhập từ trồng cao su thấp, khó trụ vững khi thị trường khó khăn.

Điển hình như hộ gia đình ông Vũ Văn Bường, trồng 2 ha cao su 12 năm tuổi tại thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước), mỗi ha cao su cho khoảng 60 kg mủ/tháng, riêng công cạo mủ là 200.000 đồng/tháng, chưa tính phân thuốc, nhân công chăm sóc.

Với giá mủ hiện nay thì không còn lời bao nhiêu. Do vậy ông Bường quyết định chặt vườn cao su, bán gỗ được khoảng gần 200 triệu đồng/ha, lấy vốn chuyển đổi sang trồng điều. Theo ông Bường, phải mất 4 năm cây điều cho trái nhưng ít ra giá điều hiện nay vẫn cao và đầu ra cũng ổn định.

Từ thực trạng này cho thấy, người trồng cao su muốn thành công phải hiểu tường tận các loại bệnh trên cây như bệnh phấn trắng, đen đầu lá, vàng lá, rụng lá non, kĩ thuật chăm sóc, bón phân và quy định chu kì thu hoạch mủ.

Đa số các hộ dân tiểu điền vì chạy theo lợi nhuận trước kia nên thực hiện thu hoạch theo chu kì lấy mủ 1 ngày/lần dẫn tới cây dễ kiệt sức, chất lượng mủ lại không đạt tiêu chuẩn, năng suất dù cao nhưng vẫn bị ép giá, dẫn đến thu nhập thiếu ổn định, ông Nguyễn Đức Nhân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cao su Bình Phước chia sẻ.

Trong khi tình hình trồng cao su tiểu điền là vậy thì diện tích cao su ở khu vực đại điền dù chiếm tỉ lệ thấp hơn song vẫn được duy trì ổn định và cho thu nhập cao.

Hầu hết các hộ trồng cao su đại điền và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cao su vẫn giữ lợi nhuận ổn định do đầu tư chăm sóc tốt, lại linh động trong luân chuyển, kết hợp sản xuất các loại cây khác.

Như trường hợp của hộ gia đình ông Nguyễn Đức Nhân, ấp 4, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Trước đây ông Nhân trồng 35 ha cao su.

Ông Nguyễn Đức Nhân kiểm tra vườn cao su với diện tích 22 ha tại thị xã Đồng Xoài đang cho thu hoạch. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Trong thời điểm giá mủ cao su cao, ông vẫn duy trì chế độ thu hoạch 2 ngày lấy mủ 1 lần, đồng thời liên kết với Viện Nghiên cứu cây cao su, các câu lạc bộ sản xuất cao su để tìm hiểu thông tin, kĩ thuật chăm sóc cây.

Đến thời điểm giá mủ xuống thấp, vườn cao su của ông Nhân vẫn đạt chất lượng. Bên cạnh đó, ông cũng chuyển chu kì thu hoạch sang phương thức lấy mủ 4 ngày/lần để tăng chất lượng mủ và tăng thời gian thu hoạch cho cây.

Trước hiện trạng giá cao su giảm, gia đình ông Nhân đã luân chuyển 13 ha cao su già cỗi, bán gỗ, lấy vốn vừa chăm sóc vườn cao su còn lại và trồng khoai mì, lấy ngắn nuôi dài, duy trì vườn cao su hiện tại. So với trước đây, vườn cao su của ông cũng có lãi 30% sau khi bán mủ và trừ chi phí chăm sóc, trả công cho công nhân.

Trên thực tế, những doanh nghiệp và hộ nông dân đại điền không bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng giá mủ cao su giảm trong thời gian qua. Mỗi doanh nghiệp, hộ đại điền đều có nguồn thu rất cao trong thời kì giá cao.

Do đó, các doanh nghiệp cũng như hộ trồng cao su đại điền này đều có nguồn vốn dự trữ. Đồng thời, họ cũng luân chuyển diện tích cao su già, cũ sang trồng các loại cây khác, ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, hiện trạng cao su xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô nên giá trị kinh tế mang lại không cao.

Mặt khác, do chưa có quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su, nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy, dẫn tới chất lượng cao su của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng không ổn định.

Đây là những nguyên nhân khiến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan , Indonesia .

Hồng Nhung/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục