CEPAL: Xuất khẩu của Mỹ Latinh sẽ giảm 14% trong năm nay

11:51' - 22/10/2015
BNEWS CEPAL nhận định xu hướng này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm 2016 do nền kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự hồi phục sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Ngày 21/10, Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) dự báo kim ngạch xuất khẩu của khu vực sẽ giảm tới 14% trong năm nay, do giá nguyên liệu và nhu cầu trên thế giới đối với các mặt hàng này giảm đáng kể.

CEPAL nhận định xu hướng này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm 2016 do nền kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự hồi phục sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

CEPAL: Xuất khẩu của Mỹ Latinh sẽ giảm 14% trong năm nay. Ảnh: THX/TTXVN.

Theo CEPAL, ở vào thời điểm khó khăn hiện nay, các nước Mỹ Latinh và Caribe cần phải tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế hơn nữa, ưu tiên phát triển công nghiệp, đa dạng hóa sản xuất và tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại.

Giá nguyên liệu, mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ Latinh, giảm cùng với việc nhiều đồng nội tệ khu vực bị mất giá cùng với nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng giảm là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu giảm. Một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhất đó là Venezuela, với mức giảm tới 41%, chủ yếu là do giá mặt hàng dầu thô giảm, tiếp đến là Bolivia (giảm 30%) và Colombia (giảm 29%).


Cùng ngày, bà Alicia Bárcena, Thư ký điều hành CEPAL, nhận định để giải quyết tình trạng nói trên, Mỹ Latinh có thể trở thành bạn hàng chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực nông phẩm, bởi vào năm 2020, nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của nước này sẽ tăng gấp đôi.

Trong giai đoạn 2000-2014, giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã tăng tới hơn 20 lần và đạt mức 263,6 tỷ USD vào năm ngoái. Bắc Kinh hiện là đối tác lớn thứ hai của khu vực này sau Mỹ.


Bà Bárcena cũng kêu gọi các nước Mỹ Latinh cần theo đuổi chính sách tập trung nội địa hóa sản phẩm, thay thế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, song nhấn mạnh điều này không đồng nghĩa với việc đóng cửa thị trường.

Theo chuyên gia này, Mỹ Latinh cần quan tâm phát triển thương mại giữa các nước trong khu vực để giảm tối đa chi phí vận chuyển.

Bà Alicia Bárcena cũng cho rằng cần phân tích kỹ những tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với khu vực trước khi văn bản này được quốc hội thông qua.

Bà Bárcena cảnh báo việc mở cửa thị trường xe hơi, sản phẩm sữa và các điều khoản hạn chế liên quan đến sở hữu trí tuệ, nhằm giúp cho các công ty dược phẩm đa quốc gia, được độc quyền dài hạn ở các nước, sẽ là thách thức rất lớn với những nước đang phát triển. Bên cạnh đó, ngành dệt may các nước ở Trung Mỹ sẽ chịu tác động nặng nề trước sức ép cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam.
Diệu Hương (P/v TTXVN tại Buenos Aires)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục