CETA sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp châu Âu tại Canada

06:17' - 15/02/2017
BNEWS Hiệp định CETA nếu được thông qua sẽ tạm thời áp dụng ngay từ tháng Tư và đem tới cho các doanh nghiệp châu Âu cơ hội tốt nhất tại thị trường bên kia bờ Đại Tây Dương.
Nghị viện châu Âu sẽ xem xét bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định CETA. Ảnh: EPA/ TTXVN

Trong phiên họp toàn thể ngày 15/2 tại Strasbourg, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện (CETA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada. Nếu được thông qua, hiệp định có thể đi vào áp dụng tạm thời ngay từ tháng Tư và đem tới cho các doanh nghiệp châu Âu cơ hội tốt nhất tại thị trường bên kia bờ Đại Tây Dương.
CETA sẽ dỡ bỏ các dòng thuế quan đối với hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ giữa EU và Canada, trừ những lĩnh vực liên quan đến giải trí, nghe nhìn, giao thông và một vài trường hợp trong ngành nông nghiệp, đồng thời cũng mở cửa thị trường mua sắm công.

EU nhập khẩu 28,3 tỷ euro (30 tỷ USD) hàng hóa từ Canada trong năm 2015 và xuất khẩu 35,2 tỷ euro hàng hóa sang Canada. Các con số này được dự báo sẽ tăng hơn 20% khi CETA được thực thi đầy đủ.
Trên phương diện việc làm, CETA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số lĩnh vực mà châu Âu có lợi thế khi tiếp cận thị trường Canada như các ngành kế toán và kỹ thuật.

Trên thực tế, CETA chủ trương một sự thừa nhận chung giữa hai bên về bằng cấp nghề nghiệp, cho phép nhiều người lao động châu Âu có cơ hội để tìm việc làm tại Canada và ngược lại. Vào thời điểm hiện nay, việc thiếu đồng nhất trong các quy định đối với một số ngành nghề nhất định đã làm hạn chế khả năng cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới.
Đối với giới doanh nghiệp, việc đơn giản hóa thủ tục cho phép các doanh nghiệp châu Âu có thể mở chi nhánh và có điều kiện phát triển dễ dàng hơn tại thị trường Canada. Với CETA, các doanh nghiệp châu Âu có thể dễ dàng tham gia vào thị trường công của Canada, cả ở cấp liên bang và cấp thành phố. EU sẽ là đối tác thương mại đầu tiên của Canada đạt được mức độ tiếp cận cao như vậy vào thị trường công của nước này.
Canada cũng cam kết thực hiện tiến trình gọi thầu minh bạch hơn và công bố tất cả các cuộc mời thầu lên một trang web duy nhất. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ vẫn thường xuyên gặp trở ngại khi tiếp cận đến các thông tin này.
Về phía người tiêu dùng, việc mở cửa thị trường tạo ra cơ hội tiếp cận các sản phẩm nhập khẩu với mức giá phù hợp đồng thời với sự lựa chọn phong phú hơn.
Khi CETA có hiệu lực, khoảng 92% sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của EU xuất sang thị trường Canada có thể được miễn thuế. Ngoài ưu đãi về thuế, yếu tố chỉ dẫn địa lý của nhiều sản phẩm của châu Âu cũng sẽ được bảo vệ thông qua hiệp định này.

Cụ thể, CETA có cơ chế riêng đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp của EU có nguồn gốc địa lý đặc biệt. Cơ chế này được áp dụng tại Canada đối với những sản phẩm nhập khẩu từ những vùng sản xuất truyền thống của châu Âu như một số sản phẩm thực phẩm của Pháp như pho-mát Roquefort, mận Agen, thịt xông khói Bayonne hay ớt Espelette..., sẽ được công nhận và bảo vệ nguồn gốc xuất xứ tại thị trường Canada.
Trong khi đó, những sản phẩm nhập khẩu của Canada khi vào thị trường EU sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định của châu Âu. CETA sẽ không thể thay đổi hay hạ thấp tiêu chuẩn châu Âu trong các lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và phúc lợi xã hội.

CETA cũng không tác động đến cách thức mà EU ban hành luật về an ninh lương thực, trong đó bao gồm vấn đề về sản phẩm biến đổi gen hay cấm các sản phẩm từ thịt bò có sử dụng hormone trong chăn nuôi. Hiệp định này không bao quát các dịch vụ công. Các nhà nước thành viên được quyết định giữ lĩnh vực nào là dịch vụ công và cho phép loại hình dịch vụ nào được tư nhân hóa.
Trước những áp lực của các đại biểu châu Âu, cơ chế giải quyết khác biệt giữa nhà đầu tư với nhà nước, vốn bị cho là làm lợi cho các doanh nghiệp, đã được thay thế thông qua việc thành lập một tòa án thường trực và được thể chế hóa.

Các thành viên của tòa không phải do nhà đầu tư và Nhà nước liên quan đến tranh chấp đề cử, mà do các quan chức châu Âu và Canada chỉ định từ trước. Cơ chế giải quyết tranh chấp mới này được đánh giá là dựa trên một khuôn khổ thể chế vững chắc.
Tuy nhiên, những người phản đối hiệp định đã trình lên Nghị viện châu Âu một bản kiến nghị với 3,5 triệu chữ ký của công dân châu Âu. Những người ký tên vào bản kiến nghị đã cáo buộc CETA là mối đe dọa đối với nền dân chủ, nhà nước pháp quyền, các lĩnh vực y tế, môi trường, dịch vụ công cũng như quyền của người tiêu dùng và quyền của người lao động, đồng thời là yếu tố củng cố quyền lực cho các công ty đa quốc gia.
CETA được ký kết một cách khó khăn vào cuối tháng 10 vừa qua. Nếu được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, để được áp dụng một cách đầy đủ và chính thức, CETA còn phải được thông qua bởi toàn bộ 38 nghị viện quốc gia và vùng thuộc EU.

>>> CETA sẽ được ký kết vào ngày 30/10 tại Brussels

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục