Chất lượng nhân lực là thế mạnh hội nhập

07:13' - 21/12/2016
BNEWS Trước tình hình của thị trường dầu mỏ thế giới, ngành dầu khí Việt Nam đã có biện pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển nguồn lực lao động, sáng tạo trong quá trình hội nhập.
Gía dầu thế giới giảm tác động không nhỏ đến ngành dầu khí trong nước. ẢNh: TTXVN

Giá dầu suy giảm mạnh và những hệ lụy của nó đang khiến ngành dầu khí đứng trước sóng gió để phát triển và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hàng loạt các mỏ dầu phải hạn chế khai thác, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, khoan và thăm dò dầu khí thiếu việc làm…

Trước tình trạng đó, nhiều tập đoàn dầu khí thế giới đã tiến hành giảm nhân công. Đây là biện pháp nhanh, gọn nhất và được nghĩ đến đầu tiên đề giải quyết phần nào cơn khủng hoảng giá dầu.

Nhưng ngành dầu khí Việt Nam lại chọn hướng đi hoàn toàn khác, đó là cơ cấu lại đội ngũ lao động bằng cách nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển nguồn lực lao động, sáng tạo hơn để tiến mạnh hơn trong quá trình hội nhập.

Có mặt tại Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí - một trong những cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dầu khí, với bề dày truyền thống 38 năm hình thành và phát triển, chúng tôi mới thấy được tầm quan trọng của việc phát triển nhân lực trong ngành này.

Chứng kiến việc tuyển và đào tạo thợ lặn, học viên tại đây được biết, thợ lặn lành nghề trong ngành dầu khí có thể hưởng mức lương 30-40 triệu đồng/người/tháng, quá trình học tập cũng được bao trọn ăn, ở, đi lại, học phí, ra trường được cấp chứng chỉ của Tổ chức Hàng hải quốc tế. Thuận lợi là thế, nhưng để thi đậu vào thợ lặn không phải dễ dàng.

Theo Thạc sĩ Vũ Duy Hảo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí, tuyển thợ lặn trong ngành này khắt khe như tuyển phi công, nghề này không cho phép sai sót và không có cơ hội sửa sai, bởi lẽ chỉ cần một chút sơ suất sẽ dẫn đến bỏ mạng dưới đáy biển, tiêu tốn, hỏng hóc các công trình cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng ngoài biển.

Do vậy, ngoài học văn hóa dầu khí, kiến thức dầu khí, ngoại ngữ, rèn luyện sức khỏe thì thợ lặn phải thành thạo các môn bơi, lặn sâu, kỹ năng hàn, lắp ráp cơ khí dưới đáy biển, trong các chân giàn khoan...

Trong những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí đã đào tạo gần 120.000 lượt học viên với 90 chuyên ngành đào tạo, cho “ra lò” nhiều thế hệ học viên mà giờ giữ nhiều cương vị khác nhau, từ tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, đến những công nhân có chất lượng cao, sánh ngang tầm thế giới…

Thạc sĩ Vũ Duy Hảo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí cho rằng, xác định khi đã hội nhập thì phải cạnh tranh rất lớn. Hiện có rất nhiều trường tham gia đào tạo dầu khí, có cả xã hội hóa. Nên trường không chỉ đảm bảo cung cấp nhân lực cho các đơn vị đến ký hợp đồng đào tạo với nhà trường mà còn là đảm bảo với các em học tập tại trường.

Để sau này, không chỉ làm việc trong các đơn vị của ngành mà các thế hệ học sinh này phải đủ trình độ tham gia các liên doanh dầu khí nước ngoài. Đây cũng là một cách khẳng định thương hiệu và chất lượng của trường và của ngành dầu khí Việt Nam có thể vươn lên trong hội nhập.

Ngành dầu khí Việt Nam đã lựa chọn việc nâng cao chất lượng nhân lực thay vì việc cắt giảm nhân lực. Ảnh minh họa: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành dầu khí Việt Nam là Vietsovpetro cũng luôn chủ động phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các biện pháp trẻ hóa đội ngũ và mạnh dạn mở rộng đối tượng tuyển chọn sinh viên cử đi đào tạo tại Liên bang Nga và các nước phát triển để học hỏi kỹ thuật mới.

Mới đây, Vietsovpetro đã ký kết hợp đồng đào tạo với các trường đại học tại LB Nga với chuyên ngành tìm kiếm và thăm dò dầu khí.

Theo ban lãnh đạo Vietsovpetro, phong trào thi đua sáng chế, sáng kiến trong Vietsovpetro cũng được đẩy mạnh, mỗi năm có hàng chục sáng kiến sáng chế được cấp bằng chứng nhận, đem lại giá trị kinh tế hàng chục triệu USD cho Vietsovpetro và các đối tác.

Có thể nói, Vietsovpetro đã và đang hoàn thiện một nguồn nhân lực chất lượng quốc tế, sẵn sàng cho bước phát triển mới toàn diện và mạnh mẽ.

Có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, có thể giúp cho nhiều công đoạn xây dựng, sửa chữa, lắp ráp… phức tạp, trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí cao, thì nay, nhờ những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đào tạo nhân lực, người Việt Nam đã có thể làm chủ công nghệ.

Chính thành quả này đã góp phần nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước của ngành dầu khí.

Trong chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, có 3 giải pháp đột phá "khoa học - công nghệ, con người và công tác quản lí" thì rõ ràng con người vẫn là nhân tố trọng tâm của PVN.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh cũng khẳng định: “Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành dầu khí, Tập đoàn sẽ tiếp tục rà soát và đổi mới nhân sự, cán bộ, xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia thuộc các lĩnh vực cốt lõi, xây dựng cơ chế chính sách để giữ chân người tài.

 Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo của mỗi đơn vị, gắn đào tạo với thực tiễn, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án của Tập đoàn. Công tác nhân sự và đào tạo ngày càng phát triển Tập đoàn mới có khả năng cạnh tranh với nguồn nhân lực chất lượng cao của nhiều tập đoàn dầu khí trong khu vực.

Với hơn 55 nghìn lao động vào năm 2014, tỷ lệ lao động qua đào tạo dài hạn đạt gần 90%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm hơn 50%; trong đó 100% đội ngũ cán bộ lãnh đạo, điều hành có trình độ đại học trở lên… Đây là những con số PVN đang vượt trội so với mặt bằng chung hiện nay và thuộc nhóm cao nhất Việt Nam.

Hiện nay, PVN tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo chuẩn cho cán bộ theo từng lĩnh vực, chuyên ngành; đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ thống quản trị nhân lực hiệu quả, khoa học hiện đại và áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và phát triển nhân lực…

Trong những năm qua, PVN cũng đã chủ động hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trong nước, đặc biệt là các đơn vị thành viên như: Viện Dầu khí, Trường Đại học Dầu khí, Trường Cao đẳng nghề Dầu khí… cho hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Ngoài việc đào tạo trong nước, PVN cũng chủ động cử cán bộ, kỹ sư đi đào tạo ở nước ngoài một cách hợp lý, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực lâu dài. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nhà thầu dầu khí, liên doanh với nước ngoài trong công tác đào tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục