Chăm sóc y tế - Kênh "trú ẩn an toàn" của quỹ đầu tư PE

15:22' - 01/10/2017
BNEWS Tình trạng bấp bênh trong chiều hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến các quỹ đầu tư PE tìm đến lĩnh vực chăm sóc y tế như một kênh "trú ẩn an toàn".
Chăm sóc y tế - Kênh "trú ẩn an toàn" của các quỹ đầu tư PE. Ảnh minh họa: EPA

Tình trạng bấp bênh trong chiều hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến các quỹ đầu tư PE (thường được hiểu là đầu tư vào công ty chưa niêm yết dưới hình thức đầu tư góp vốn tư nhân) tìm đến lĩnh vực chăm sóc y tế như một kênh "trú ẩn an toàn", khiến cả số lượng và giá trị các thương vụ đầu tư trong lĩnh vực này gia tăng trong năm 2016.

Và châu Á-Thái Bình Dương là khu vực ghi nhận sự phát triển đặc biệt mạnh mẽ của hoạt động đầu tư PE trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

Theo báo cáo mới công bố của Bain & Company về hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp và quỹ đầu tư PE trên toàn cầu trong lĩnh vực chăm sóc y tế, các quỹ đầu tư PE vẫn nhận thấy tiềm năng trong xu hướng nhân khẩu học của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khi dân số gia tăng và già hóa, tầng lớp trung lưu không ngừng phát triển và gánh nặng ngày càng cao từ bệnh tật.

Và kết quả là 31 cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe được “sang tên” ở Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và Australia trong năm 2016, gấp gần ba lần con số của năm 2015.

Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường đặc biệt có sức hút đối với các quỹ đầu tư PE.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dân số từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng lên 240 triệu người vào năm 2020.

Trong khi đó, một hệ quả của chính sách một con mà Bắc Kinh đưa ra vào năm 1979 và chính thức chấm dứt vào năm 2015 là gánh nặng chăm sóc cha mẹ lúc về già sẽ tạo áp lực khổng lồ đối với các thế hệ trẻ của nước này.

Theo một báo cáo của công ty tư vấn McKinsey & Company, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của người Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2020.

Các quỹ đầu tư của Trung Quốc tiếp tục được "khích lệ" bởi Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, bắt đầu vào năm 2015, theo đó hỗ trợ hoạt động của khu vực tư nhân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Li Bin, Giám đốc điều hành Quỹ chăm sóc y tế Ally Bridge LB, cho rằng trong số các cơ sở chăm sóc sức khỏe thì các bệnh viện tư sẽ trở thành "đối tượng" đầu tư tốt nhất trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, các quỹ đầu tư của Trung Quốc trong năm 2016 cũng rất năng nổ trong các hoạt động đầu tư xuyên biên giới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các quỹ này thường mua lại các doanh nghiệp nước ngoài có những dịch vụ mà họ muốn mang về thị trường Trung Quốc.

Trước xu hướng người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các thương hiệu chăm sóc sức khỏe toàn cầu, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tiến hành thâu tóm một số nhà sản xuất các sản phẩm thuốc không kê đơn (OTC) ở nước ngoài, chủ yếu là Australia và Canada.

Theo chuyên gia Nirad Jain, đồng tác giả báo cáo nói trên của Bain & Company, với tình trạng già hóa dân số và xu hướng bệnh tật trên toàn cầu, nhu cầu đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ gia tăng cho dù môi trường kinh tế thuận lợi hay khó khăn.

Nhưng như vậy không có nghĩa là tất cả các nhà đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đều có thể “hái trái ngọt”, mà họ cần sáng tạo và tỉnh táo hơn để tìm ra những mục tiêu đầu tư có khả năng đem lại lợi nhuận lớn.

Bain dự đoán rằng sẽ xuất hiện nhiều consortium để dàn xếp các thương vụ trong tương lai.

Hoạt động hợp tác giữa các quỹ đầu tư PE và các doanh nghiệp sẽ gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ y tế và dược phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục