Chấn chỉnh và chấn hưng

07:09' - 16/05/2016
BNEWS Nhậm chức chưa đầy tháng, tân Thủ tướng đích thân gặp gỡ và đối thoại với hàng nghìn doanh nhân, trong đó đa số là chủ doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến Lễ ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giữa UBND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Đó là lần đầu tiên sau nhiều năm, cuộc gặp với doanh nghiệp có sự tham dự của 4 phó thủ tướng, hầu hết các vị bộ trưởng, cả Chánh án Toà án nhân dân Tối cao cùng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Không ít kiến nghị từ diễn đàn ấy đã nhanh chóng được tiếp thu khi Chính phủ bàn về một nghị quyết phát triển doanh nghiệp, ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Những động thái tích cực này đã nhen lên một hy vọng về một giai đoạn phát triển mới của doanh nghiệp Việt nói chung và khu vực doanh nghiệp tư nhân – lâu nay vẫn được ví như “con nuôi” – nói riêng.

Tất nhiên, không ai “đánh thuế” sự kỳ vọng. Nhưng, nhìn thẳng vào thực tế thì có lẽ vẫn cần ưu tiên cho củng cố, chấn chỉnh, khôi phục mới có thể bước sang giai đoạn "chấn hưng" được.

Nói như vậy là bởi những việc cần được chấn chỉnh còn đang quá bề bộn.

Ngay trước thềm buổi gặp gỡ doanh nghiệp nói trên, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải ra tay can thiệp trường hợp chủ quán cà phê “Xin chào” bị khởi tố.

Một vụ việc mà theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc là “không thể chấp nhận được trong một nhà nước pháp quyền”.

Trong buổi gặp đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tướng Tô Lâm khẳng định  lực lượng công an không có chủ trương hình sự hoá quan hệ kinh tế.

Việc Bộ trưởng Bộ Công an – chức danh hiếm khi đăng đàn tại các cuộc gặp doanh nghiệp như sự nhấn mạnh của Thủ tướng - trực tiếp cam kết trước hàng ngàn doanh nghiệp trong hội trường Thống nhất và hàng vạn doanh nhân khác theo dõi ở các đầu cầu trực tuyến hẳn là một thông điệp đa nghĩa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau đó và trong phát biểu bế mạc hội nghị đã hơn một lần nhấn lại thông điệp: “Chính phủ và ngành công an không có chủ trương hình sự hoá các quan hệ kinh tế”.

Mỗi lần thông điệp này được đưa ra đều nhận được tiếng vỗ tay kéo dài của các doanh nhân.

Nhưng, nỗi loi lại chất chứa ở quá trình thực thi chủ trương đó. Khi mà có vị đại biểu Quốc hội đã ví von khi đúc kết rằng "con đường" dài nhất đất nước là từ lời nói đến việc làm!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với cộng đồng doanh nghiệp tham dự Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề ”Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Chấn chỉnh, khôi phục còn là yêu cầu với nhiều lĩnh vực, công việc cụ thể khác nữa. Nan giải nhất có lẽ vẫn là bài toán chống tham nhũng, quan liêu mà theo đánh giá của Thủ tướng là còn nặng nề, từ đó gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Khi đề cập đến tình trạng tiêu cực, tham nhũng trước hàng ngàn doanh nghiệp tại cuộc gặp nói trên, người đứng đầu Chính phủ nói vui rằng “đừng tưởng Thủ tướng không biết”.

Tất nhiên là Thủ tướng biết, biết rằng không chỉ có nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng đã, đang làm nản lòng doanh nghiệp.

Bởi, ngay trước thềm cuộc gặp doanh nghiệp ông đã nhận được từ VCCI văn bản gần 200 trang với trên 170 nội dung liên quan đến 9 nhóm vấn đề chính mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm kiến nghị.

Ở đó, doanh nhân, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp tư nhân nói rằng họ đang bị lỡ thời cơ bởi những thủ tục hành chính phiền hà, đang oằn vai bởi gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức.

Họ, cũng đang phải gánh chịu các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ…

Rào cản không hề nhỏ với các doanh nghiệp tư nhân còn là sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực so với các  doanh nghiệp lớn của  nhà nước.

Mà chừng nào chế độ chủ quản của các bộ ngành và chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp nhà nước chưa được xoá bỏ thì rào cản này vẫn chưa thể gỡ bỏ một cách triệt để.

Nhưng, lộ trình này dường như còn xa tít tắp khi chưa có thông tin chắc chắn nào về điểm dừng của cơ chế chủ quản đó.

Mà như thế, bên cạnh những chấn chỉnh từ hành vi cụ thể nhất, cải cách thể chế cũng là yêu cầu cấp thiết cho công cuộc chấn hưng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục