Chăn nuôi gia trại - nói không với chất cấm

07:12' - 06/10/2016
BNEWS Sạch sẽ và không mùi hôi là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tại xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Chăn nuôi theo mô hình khép kín mang lại nhiều tiện ích cho các trang trại trên địa bàn xã Kim Mỹ, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTXVN

Mô hình chăn nuôi 100 lợn nái cùng 300 lợn thịt của ông Trịnh Duy Tân, ở xóm 2 xã Kim Mỹ đang được coi là một trong những trang trại chăn nuôi lợn lớn nhất xã Kim Mỹ. Có được thành công như ngày nay, gia đình ông Tân đã không ít lần đối mặt với khó khăn, thách thức, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhưng bằng ý chí và nghị lực, từng bước một ông Tân đã vực lại kinh tế gia đình và trở thành nhân tố đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu tại ngay mảnh đất quê hương.

Nhớ lại thời kỳ đầu lập nghiệp, ông Tân tâm sự: Năm 2007, với số vốn ít ỏi có được từ việc đi làm thuê trong miền Nam, trở về quê hương ông tâm nguyện sẽ đưa gia đình thoát khỏi nghèo đói và biết đâu có thể làm giàu được trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra.

Nhiều ngày đêm trăn trở, trằn trọc với suy nghĩ đó, ông Tân rút ra ở mảnh đất thuần nông này, ngoài cây lúa chỉ có thể trông chờ vào chăn nuôi chứ không biết làm nghề gì khác. Nghĩ là làm, ngay trong năm đó, ông quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi với vài ba con lợn nái, hơn chục con lợn thịt.

Tuy nhiên, thành công không nghiễm nhiên và đơn giản đến với người mới vào nghề. Do thiếu kinh nghiệm và nguồn vốn nên gia đình ông Tân gặp không ít khó khăn, lợn nái nuôi mãi không lấy giống được để đẻ, lợn thịt thì phát triển chậm, trong khi đó vẫn phải đầu tư tiền cám, thuốc...

Hoạt động chăn nuôi theo mô hình trang trại được nhiều hộ kinh doanh thực hiện . Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Để giảm chi phí trong chăn nuôi, ông Tân tranh thủ thời gian cùng vợ con đi vớt bèo, trồng rau cho lợn ăn. Vụ đầu tiên năm đó, gia đình ông bán lứa lợn thịt nhưng tiền thu về cũng chỉ đủ trang trải trong quá trình chăn nuôi. Với ông đó là thắng lợi vì vụ đầu tiên không bị lỗ.

Trong 2 năm tiếp theo, ông Tân vẫn quyết định đầu tư vào chăn nuôi lợn, kiên trì tìm tòi tài liệu, kết hợp đi học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương lân cận, từ đó phát triển đàn lợn với quy mô lớn dần.
Từ thành công của gia đình ông Tân, nhiều hộ trong xã đã học và làm theo, đến nay trên địa bàn xã có hàng chục hộ đầu tư trang trại lớn cũng như phát triển mô hình gia trại.

Năm 2014, nhận thấy đây là mô hình kinh tế mới tại địa phương nên UBND huyện Kim Sơn đã tạo điều kiện thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Kim Mỹ do chính ông Trịnh Duy Tân làm giám đốc, quy tụ được nhiều hộ kinh doanh trong xã.
Đến nay hợp tác xã đã có 38 thành viên, đều là các hộ kinh doanh lớn với quy mô bình quân 25 lợn nái và 100 lợn thịt; trong đó nhiều hộ vừa chăn nuôi lợn, vừa cung ứng thức ăn chăn nuôi, cung ứng dịch vụ thú y.

Đơn cử như các ông Phạm Văn Hùng, xóm Tân Văn với 50 lợn nái, 300 lợt thịt; ông Nguyễn Văn Chinh, xã Kim Tân với 50 lợn nái, 200 lợn thịt... đây đều là các hộ vừa chăn nuôi vừa cung ứng dịch vụ trong chăn nuôi.

Ông Tân cho biết, Hợp tác xã hoạt động theo mô hình khép kín, từ cung ứng lợn giống đến dịch vụ chăn nuôi, các thành viên yên tâm hơn trong đầu tư sản xuất kinh doanh.

Việc hộ kinh doanh có thể ứng trước con giống, thức ăn chăn nuôi, khi bán sản phẩm mới trả tiền đầu tư ban đầu, hoặc khi lợn bị bệnh đã có ngay các hộ kinh doanh thuốc cung cấp thuốc điều trị. đã tạo ra thuận lợi cho người nuôi.

Hiện tổng đàn lợn của hợp tác xã luôn duy trì 700 con lợn nái và 7.000 con lợn thịt, tổng doanh thu đạt trên dưới 20 tỷ đồng/năm.

Đánh giá về mô hình hợp tác xã chăn nuôi Kim Mỹ, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Sơn cho rằng, đây là một mô hình tiên tiến và là điểm sáng của kinh tế tập thể tại địa phương. Việc ngày càng có nhiều thành viên muốn tham gia vào hợp tác xã chứng tỏ sức lan tỏa của mô hình, bởi khi tham gia hợp tác xã mỗi thành viên đều có ý thức trách nhiệm đi đôi với quyền lợi của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục