Chất lượng công trình kém - Bài 1: Cơ chế đấu thầu có phải là cốt lõi?

07:32' - 21/11/2016
BNEWS Có những đơn vị, nếu xét trên tiêu chí kỹ thuật thì cái gì cũng tốt nhưng khi chấm thầu thì có thể bị loại khỏi cuộc chơi bởi một tiêu chí định lượng có tính chất quyết định, đó là giá.
Thi công phần kết cấu mặt cầu vượt Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng–TTXVN

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sỹ Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ, thời gian còn đảm nhận cương vị Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) ông từng bày tỏ quan điểm nếu ép giá, ép tiến độ thì không thể đồng hành cùng chất lượng.

Nguyên tắc đấu giá là đúng nhưng hiện đang nhầm lẫn việc đấu thầu một công trình xây dựng với một sản phẩm hàng hóa.

Công trình xây dựng là sản phẩm hình thành sau, phải trải qua thời gian dài nhất định. Trong thời gian dài đó, có rất nhiều rủi ro làm ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm.

Khi tiến hành đấu thầu theo cơ chế đó, cộng với những tiêu cực khác thì không thể làm ra sản phẩm xây dựng có chất lượng được.

Trong suốt một thời gian rất dài, các công trình xây dựng thi nhau đấu thầu theo những tiêu chí hết sức định tính.

Có những đơn vị, nếu xét trên tiêu chí kỹ thuật thì cái gì cũng tốt nhưng khi chấm thầu thì có thể bị loại khỏi cuộc chơi bởi một tiêu chí định lượng có tính chất quyết định, đó là giá. Gần như thành thông lệ, cứ giá thấp nhất là trúng thầu.

Ông Trần Chủng phân tích: “Trước đây, chúng ta cứ nói tiền nào của ấy để chỉ về ý thức kém. Theo tôi, điều đó là sai vì không thể có chuyện có ý thức mà biến từ cái kém thành cái tốt được mà phải có tiền, phải có vật liệu và cả công nghệ nữa. Bởi vậy, đã có không ít công trình nay hỏng, mai hỏng, sửa chữa hết đợt này sang đợt khác, gây tốn kém, lãng phí rất nhiều. Khi giá thấp, chất lượng vật liệu, trình độ con người và thiết bị công nghệ không thể cao mãi được”.

Tuy nhiên, với nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng phương pháp đấu thầu nhưng chất lượng các công trình xây dựng của họ vẫn rất tốt.

Vậy cơ chế đấu thầu có phải là vấn đề cốt lõi. Trăn trở này được ông Trần Chủng phân tích, ở những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp đặc biệt được coi trọng.

Khi doanh nghiệp xây dựng một công trình nào đó mà nó xuống cấp nhanh, hỏng hóc, sự cố thì sẽ không còn ai thuê họ nữa.

Bởi vậy, bản thân chính các doanh nghiệp đó tự ý thức rằng không bao giờ chấp nhận giá thấp để bán rẻ thương hiệu của mình cả.

Còn tại Việt Nam, các doanh nghiệp hay cả như nhà quản lý đều chưa tìm ra đáp án chung. Bởi vậy, muốn giải bài toán này thì đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng cần phải thực hiện theo một cách khác với phương thức mới hơn và có lộ trình thích hợp.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, đấu thầu theo nguyên tắc “đấu giá thấp nhất thắng thầu” đã gây thiệt hại lớn và chủ yếu rơi vào chất lượng công trình.

Một công trình đáng nhẽ phải bền vững trong vòng 15 năm mới phải trùng tu, nhưng sau khi đưa vào hoạt động thì chỉ 5 năm đã phải thực hiện công tác này.

Có những công trình khi xây dựng xác định là tuổi thọ đạt 100 năm nhưng chỉ 60 năm, thậm chí có khi là 30 năm, 20 năm đã hư hỏng, phải thay thế... Tất cả những yếu tố này sẽ làm tăng chi phí lên rất nhiều.

Số kinh phí tiết giảm từ bỏ thầu giá thấp cũng không đủ bù cho các khoản này mà nghiêm trọng hơn là nó ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp và làm mất lòng tin của xã hội.

Ý kiến tham vấn của các chuyên gia đều cho rằng, hệ thống thể chế của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng là khá đầy đủ và ngày càng hoàn thiện.

Nhiều quy định đã bám sát thông lệ quốc tế và tính minh bạch cũng được cải thiện ngày càng cao. Tuy nhiên thực hiện thế nào mới là điều quan trọng.

Đấy mới là mấu chốt cần giải quyết và nó nằm ngay từ ý thức của mỗi chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng để tạo lập nên các công trình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục