Chỉ có gần 3% doanh nghiệp môi trường quy mô lớn

14:14' - 15/04/2016
BNEWS Thị trường ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam chưa phát triển. Cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp chế tạo thiết bị, sản xuất sản phẩm tại ngành này vẫn còn hạn chế.
Hiện chỉ có gần 3% doanh nghiệp Việt Nam hiện đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Ảnh: moitruong.vn

Hiện nay, trên cả nước có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực môi trường bao gồm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thông thường và chất thải nguy hại. Trong đó, phần lớn có quy mô nhỏ, vốn dưới 5 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm chưa đến 3%.

Thông tin trên được ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường cho biết tại Hội nghị Tổng kết giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng hoạt động đến năm 2025 Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” tổ chức ngày 15/4.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên Môi trường, do quy mô của các doanh nghiệp dịch vụ môi trường thường là vừa và nhỏ nên không có khả năng đầu tư vào các lĩnh vực có nguồn vốn lớn. Hầu như không có doanh nghiệp nhà nước về dịch vụ môi trường đủ mạnh để giải quyết các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước về môi trường như các trung tâm xử lý chất thải nguy hại cấp vùng/liên tỉnh, doanh nghiệp xử lý sự cố tràn dầu, doanh nghiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung... 

Ông Nguyễn Huy Hoàn, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) nhận định, hiện năng lực và khả năng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường của ngành công nghiệp môi trường vẫn còn thấp.

Lý giải một phần nguyên nhân của hạn chế này, ông Hoàn cho rằng do giá dịch vụ môi trường vẫn ở mức thấp. Nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ còn hạn chế và bố trí chậm. Trong một số trường hợp, kinh phí được bố trí chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện các nhiệm vụ đề ra. 

Dây chuyền xử lý rác thải tại Nhà máy Xử lý chất thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Phương Dung

Bên cạnh đó, một hạn chế lớn nữa của công nghiệp môi trường là thị trường ngành công nghiệp này ở Việt Nam chưa phát triển. Cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp chế tạo thiết bị, sản xuất sản phẩm môi trường vẫn còn hạn chế.

Các doanh nghiệp môi trường chủ yếu thực hiện chức năng sản xuất, vì vậy các nghiên cứu chưa nhiều và nếu có, thường mang tính giải quyết tình thế, chủ yếu mang tính mô phỏng công nghệ, thiết bị đã có.

Đề xuất các giải pháp để phát triển công nghiệp môi trường thời gian tới, đại diện Hiệp hội Công nghiệp môi trường kiến nghị Nhà nước cần ban hành cơ chế khuyến khích hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp khi tham gia cung cấp dịch vụ môi trường, có chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường được sản xuất trong nước.

Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí xúc tiến thương mại cho các cơ sở doanh nghiệp công nghiệp môi trường, đồng thời xây dựng quy hoạch phát triển doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020 của từng địa phương trên cơ sở đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường trên địa bàn, khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngoài địa bàn.

Cùng kiến nghị vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hoàn cho hay, cần phải có các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về cơ sở hạ tầng, đất đai, vốn, thuế… đối với các hoạt động sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dụng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải…;

xem xét, ban hành các cơ chế và hướng dẫn về ứng dụng và chuyển giao công nghệ đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương), thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp môi trường thuộc Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường, trong giai đoạn 2010-2015, Bộ Công Thương đã phê duyệt và giao thực hiện 57 nhiệm vụ nghiên cứu thuộc các lĩnh vực công nghệ, thiết bị, sản phẩm phục vụ xử lý môi trường với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước là 134 tỷ đồng và 64 tỷ đồng huy động của các đơn vị.

Theo đó đã tạo ra và nâng cao năng lực trong nước trong việc hình thành công nghệ, chế tạo thiết bị và sản xuất các sản phẩm sử dụng trong xử lý môi trường, góp phần phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục