Chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

20:27' - 21/11/2015
BNEWS Nông nghiệp là ngành duy nhất nhiều năm liền xuất siêu của Việt Nam, nhưng thực tế cho thấy đầu tư của xã hội và doanh nghiệp vào lĩnh vực này còn rất hạn chế.
Ảnh minh họa (Viet Nguyen)

Làm thế nào để thu hút và quản lý đầu tư vào nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập, là nội dung được các diễn giả tập trung bàn thảo tại diễn đàn "Đầu tư vào nông nghiệp thời TPP" do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Kênh thông tin kinh tế - tài chính tổ chức ngày 21/11 tại Tp.Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, mặc dù đạt được nhiều thành tựu qua 70 năm phát triển, nhưng chất lượng tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn thấp, khả năng cạnh tranh chưa tương xứng với tiềm năng và phát triển còn thiếu bền vững.

Đặc biệt, khả năng thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 5,4 – 5,6% trong tổng mức đầu tư của toàn xã hội. Chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro và khả năng thu hồi vốn rất chậm này.

Trong số đó, nguồn vốn FDI vào nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ, đến cuối năm 2014 mới đạt trên 3,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm 2,17% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, riêng 10 tháng đầu năm nay đạt 1,6%.

Việc có ít các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp cũng thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán. Theo đánh giá của bà Trần Hải Yến, chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Bảo Việt, số lượng các doanh nghiệp hoạt động thuần túy trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán còn khá khiêm tốn.

Đến nay, chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia trên sàn với quy mô vốn hóa của cả ngành cũng khá nhỏ, chiếm khoảng 3% vốn hóa toàn thị trường.

Trong thời gian gần đây, có một số doanh nghiệp có sự chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup… nhưng chưa đủ tạo ra một “làn sóng” đầu tư mới.

Trong bối cảnh khó khăn của thị trường nông sản hiện nay, chỉ những doanh nghiệp cam kết đầu tư lâu dài, bài bản và chuyên tâm vào lĩnh vực nông nghiệp mới có khả năng tồn tại, tăng trưởng trong tương lai khi giá thế giới phục hồi trở lại.

Dưới góc độ của doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH cho rằng, về tổng thể Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại lợi ích cho Việt Nam nhiều nhất so với các nước.

Tuy nhiên, riêng với ngành nông nghiệp thì ngược lại, đây là ngành chịu thiệt thòi nhiều nhất khi TPP có hiệu lực. “Đối với ngành bò sữa, nếu thuế quan được dỡ bỏ, sản phẩm có lợi thế thương mại tràn vào Việt Nam, thì ngành bò sữa phải đối mặt với 3 cường quốc Hoa Kỳ, Australia và New Zealand.

Bởi, sản phẩm của các quốc gia này có thương hiệu, tuân thủ quy chuẩn cao trong khi Việt Nam còn non trẻ, các điều kiện quy chuẩn còn mù mờ và chưa minh bạch.

Do đó, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo hành lang pháp lý và minh bạch thị trường, giúp cho ngành nông nghiệp phát triển”, ông Hải nói.

Theo ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, với thực tiễn đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hiện nay, doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam không phải là đơn giản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hiện cũng phải chịu nhiều chi phí chăn nuôi cao hơn, vận chuyển gồm cả chi phí chính thức và không chính thức...

Để giải quyết khó khăn này, Tập đoàn này đã phải chọn con đường phù hợp là đầu tư sang Lào và Campuchia để có diện tích đất đủ rộng, triển khai cơ giới hóa và tự động hóa cũng như tạo liên kết chuỗi bền vững.

Theo đó, ông Sơn kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị sản phẩm và có kênh thông tin cho doanh nghiệp.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cốt lõi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, vẫn phải là câu chuyện tổ chức lại sản xuất, lựa chọn sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đầu tư công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch, gia tăng giá trị cho sản phẩm, thì mới tăng được sức cạnh tranh trên sân nhà và hướng ra xuất khẩu./.

H.Chung/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục