Chi phí quản lý tiền mặt của doanh nghiệp vẫn ở mức cao

15:10' - 11/05/2016
BNEWS Thanh toán điện tử ở Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Hội thảo Dịch vụ thanh toán điện tử với phát triển thương mại điện tử. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Đánh giá chung về phát triển thương mại điện tử thời gian qua, bà Nguyễn Thị Nhiễu- Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, chi phí quản lý tiền mặt nội địa hiện vẫn là một gánh nặng cho nền kinh tế.

Dù thanh toán điện tử ở Việt Nam đã có bước phát triển mạnh nhưng do nhiều nguyên nhân nên còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo "Dịch vụ thanh toán điện tử với phát triển thương mại điện tử- Xu thế và đổi mới", do Viện Nghiên cứu thương mại tổ chức sáng 11/5 tại Hà Nội.

Theo ông Phan Thế Thắng- Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), phát triển thanh toán điện tử và đảm bảo tính an toàn, bảo mật trong các giao dịch thanh toán cần được coi là nội dung trọng tâm và đẩy mạnh triển khai.

Việc này được thực hiện thông qua các giải pháp như hoàn thiện môi trường pháp lý khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và ứng dụng thương mại điện tử; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử.

Bà Nguyễn Thị Nhiễu đưa ra dự báo thanh toán điện tử có tiềm năng rất lớn và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới vì Việt Nam có tỷ lệ dân số cao, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và truy cập internet tăng nhanh cùng với hạ tầng công nghệ khá tốt và không ngừng được cải thiện.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thẵng Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Khẳng định điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thương mại điện tử và nhất là dịch vụ thanh toán điện tử đang ngày càng phát triển mạnh hơn dù vẫn còn là vấn đề rất mới tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thương mại điện tử đang thu hút nhiều quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp và người dân. Đến nay, ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng đã ngày càng phát triển, không chỉ tập trung tại các thành phố lớn mà đã mở rộng trên phạm vi cả nước.

Nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng đã hình thành và được doanh nghiệp vận hành, triển khai kèm theo dịch vụ thanh toán điện tử cũng đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của thương mại điện tử.

Chia sẻ về hạ tầng kỹ thuật cho phát triển dịch vụ thanh toán điện tử trong thương mại điện tử ở Việt Nam, ông Lê Đức Anh, chuyên viên Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, trong quá trình làm việc với cộng đồng doanh nghiệp cũng như thu nhận ý kiến phản ánh từ người tiêu dùng, Cục đã nhận thấy nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp về một thị trường thương mại điện tử lành mạnh, phát triển bền vững.

Người tiêu dùng thì quan tâm đến quyền lợi của mình phải có được các cơ chế bảo vệ hiệu quả khi tham gia các giao dịch trực tuyến.

Cũng theo ông Lê Đức Anh, tỷ lệ thanh toán và thói quen sử dụng thẻ tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển, tuy nhiên tỷ lệ thanh toán trực tuyến cho các đơn hàng còn thấp. Chẳng hạn như ngày mua sắm trực tuyến có hơn 800.000 đơn hàng với tổng giá trị 600 tỷ đồng nhưng thanh toán trực tuyến chỉ chiếm hơn 3%.

Thực tế này xuất phát từ lo ngại phía người tiêu dùng hiện thiếu các cơ chế hỗ trợ để đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ sau khi đã thanh toán tiền trước cho người bán hàng.

Một vấn đề nữa là bên cạnh việc cần thiết có một hạ tầng thanh toán an toàn, đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng cho thương mại điện tử, mảng dịch vụ tiện ích thanh toán được phát triển cho các dịch vụ hành chính công, dịch vụ công ích cũng chưa được các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán quan tâm, đầu tư.

Đây là các dịch vụ mang tính chiến lược lâu dài, đem lại lợi ích cho xã hội nhưng chi phí đầu tư lớn và chưa mang lại nhiều lợi nhuận nên ít được các doanh nghiệp quan tâm.

Một số ý kiến khác cho rằng, cùng với đó cần phát triển các giải pháp bảo mật và đảm bảo an toàn thông tin cho các giao dịch thanh toán điện tử.

Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về thương mại điện tử, xây dựng hệ thống đảm bảo lòng tin cho hoạt động mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và cơ chế giải quyết tranh chấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục