Chỉ số S&P 500 áp sát mức cao kỷ lục trong lịch sử, Dow Jones chạm “đỉnh” năm 2016

12:47' - 09/07/2016
BNEWS Số liệu việc làm tích cực trong tháng Sáu của nền kinh tế số 1 thế giới châm ngòi đà mua vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Phố Wall.
Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Phố Wall biến động mạnh. Ảnh: TTXVN

Chỉ số S&P 500 tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/7, với mức đóng cửa phiên tiến gần mức cao kỷ lục từ trước tới nay, sau khi số liệu việc làm tích cực trong tháng Sáu của nền kinh tế số 1 thế giới châm ngòi đà mua vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Phố Wall.

Cụ thể, khép lại phiên này, chỉ số S&P 500 tiến thêm 31,93 điểm, tương đương 1,5%, lên 2.129,83 điểm – chỉ thấp hơn 1 điểm so với mức cao nhất từ trước đến nay (2.130,82 điểm) ghi nhận trong phiên 21/5/2015. Tính chung cả tuần, chỉ số này ghi thêm 1,3% và chứng kiến tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng 250,86 điểm, hay 1,4% lên 18.146,74 điểm - mức đỉnh trong năm 2016. Chỉ số blue-chip này tăng 1,1% trong tuần vừa qua.

Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 79,95 điểm, tương đương 1,6% và đóng cửa phiên ở mức 4.956,76 điểm; tiến thêm 1,9% trong tuần này.

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/7 cho hay nền kinh tế hàng đầu thế giới tạo thêm 287.000 việc làm mới trong tháng Sáu, với mức tăng cao nhất trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ khách hàng, thông tin và bán lẻ.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự đoán con số này chỉ vào khoảng 175.000 việc làm mới. Đây là mức tăng đáng kể so với số việc làm mới ghi nhận trong tháng 5/2016, 11.000 việc làm, làm dấy lên lo ngại về tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ có xu hướng chậm lại.

Cùng trong tháng 6/2016, tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng từ 4,7% của tháng trước đó lên 4,9%, thể hiện việc có thêm nhiều người tìm kiếm việc làm khi tham gia thị trường lao động.

Chuyên gia đầu tư cấp cao Wouter Sturkenboom của Russell Investments nhận định nhà đầu tư chứng khoán duy trì tâm lý lạc quan bởi dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi, song với triển vọng lạm phát còn ảm đạm và những rủi ro liên quan Brexit- chỉ việc người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự đoán sẽ chưa tiến hành tăng lãi suất.

Giới quan sát đánh giá đây là một tin mừng sau khi thị trường chứng khoán đón nhận “cơn chấn động” Brexit. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan ngại về việc lợi suất trái phiếu chính phủ của nhiều quốc gia giảm xuống đáy của nhiều năm, đây vốn được coi là dấu hiệu thể hiện tình hình kinh tế còn trì trệ.

Cùng ngày, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên hơn 1,4% sau khi báo cáo việc làm được công bố, song lại giảm xuống mức thấp kỷ lục là 1,37% do nhà đầu tư vẫn đặt cược vào các tài sản an toàn.

Nhà phân tích thị trường hàng đầu Art Hogan của Wunderlich Securities nhận xét diễn biến trên xuất phát từ việc nhà đầu tư nước ngoài đổ xô mua trái phiếu Mỹ khi trái phiếu của nhiều nước có lợi suất bằng 0 hoặc thậm chí âm. Xu hướng trên cũng được củng cố trước những quan điểm cho rằng nhiều ngân hàng trung ương sẽ sớm tung ra các chương trình nới lỏng định lượng.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại châu Âu cũng ghi nhận xu hướng tăng điểm tích cực. Chứng khoán Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) đều tiến thêm khoảng 2%, trong lúc chứng khoán London (Vương quốc Anh) đóng cửa phiên 8/7 tăng 0,9%.

Các nhà quan sát dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm có những biện pháp hỗ trợ kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) trước những nguy cơ tiềm năng của Brexit. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2017 từ ước tính trước đó 1,6% xuống còn 1,4%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục