Chìa khóa thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô: Bài 2: Nhiều động lực để phát triển

15:06' - 30/06/2018
BNEWS Sản xuất ô tô được xem là một trong những ngành công nghiệp thể hiện năng lực sản xuất của một quốc gia.

Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng là một trong những mục tiêu lớn của Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mẫu Sedan VinFast đã được được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại EU. Ảnh: VinFast

Dư địa thị trường lớn
Đầu ra của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với nhiều tiềm năng để phát triển. Riêng thị trường nội địa hơn 90 triệu dân thì có 67% trong độ tuổi lao động (dân số vàng) với nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đường bộ có tốc độ tăng trưởng trên 10% năm; trong đó vận chuyển hành khách chiếm khoảng 91,4%.
Đặc biệt, ô tô cá nhân sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân để thay thế dần cho trên 40 triệu xe gắn máy đang lưu hành. Tại Việt Nam, mới chỉ có khoảng 25 người sở hữu ô tô/1.000 dân, còn ở các nước phát triển là khoảng 400 xe/1.000 dân. Điều này đồng nghĩa với việc quy mô thị trường trong nước đang lớn dần theo sự tăng trưởng của kinh tế.
Mặt khác, xét về tổng thể, Hiệp định ATIGA không chỉ mang lại thách thức mà còn mở ra nhiều cơ hội tốt để các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản xuất ô tô ở Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời có thể đẩy mạnh sản xuất ô tô trong nước rồi xuất khẩu ra khu vực với mức thuế suất 0%.
Ngoài ra, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp có hiệu lực sẽ góp phần thu hút dòng vốn FDI từ nước ngoài đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ vào Việt Nam. Cơ hội trở thành đối tác và nhà cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài của doanh nghiệp nội địa cũng sẽ cao hơn.
Các doanh nghiệp trong nước cũng nhận định, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam rất có tiềm năng phát triển. Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn muốn xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam nhằm cung ứng cho nhu cầu nội địa ngày càng tăng; đồng thời dễ dàng xuất khẩu sang các nước khác nhờ vị trí địa lý rất thuận lợi về thông thương cảng quốc tế của Việt Nam. Đó sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong những năm tới.
Sự hậu thuẫn về chính sách
Bên cạnh nhu cầu thị trường, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam đang nhận được sự hậu thuẫn đáng kể từ các chính sách của Chính phủ. Cụ thể, Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản hình thành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Giai đoạn 2021 -2025 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ, từng bước tham gia vào hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô.
Từ năm 2026 -2035 tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới; đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Song song với việc cung ứng cho ngành sản xuất ô tô trong nước, Việt Nam cũng đặt mục tiêu xuất khẩu linh kiện, phụ tùng đạt 4 tỷ USD vào năm 2020, 5 tỷ USD vào năm 2025 và đạt 10 tỷ USD vào năm 2035.
Để thực hiện mục tiêu đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cũng như triển khai nhiều các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước. Điển hình như Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được đánh giá là tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp ô tô trong nước bứt phá để vươn lên.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá, những cơ chế, chính sách mới được Chính phủ và các Bộ ngành ban hành gần đây đều khẳng định tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô trong tiến trình nội địa hóa sản phẩm cuối cùng là ô tô tại Việt Nam.

Nhà nước cũng khuyến khích và tạo điều kiện ưu tiên về hạ tầng, tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô và sản xuất ô tô.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất ô tô trong nước chưa bao giờ được ưu đãi tốt như hiện nay. Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp mới đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đã sản xuất cũng rất cụ thể và thiết thực.

Đơn cử, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ có hiệu lực từ năm 2016 nêu rõ Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với dự án sử dụng nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước để phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đương với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao (10%), đây là mức ưu đãi về thuế cao nhất trong các ngành công nghiệp hiện nay./.
Bài 3: Xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

>>>Chìa khóa thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô: Bài 1: Đối mặt nhiều thách thức

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục