Chiến lược mới với Iran liệu có đẩy Mỹ vào thế cô lập? (Phần 1)

05:30' - 28/10/2017
BNEWS Tạp chí Foreign Affairs có bài phân tích cho rằng chiến lược mới đối với Iran của chính quyền Donald Trump sẽ hủy hoại thỏa thuận hạt nhân cũng như uy tín của Mỹ trước các đồng minh chủ chốt.
Ngày 11/10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani (ảnh giữa) cho rằng ông Trump đang chống lại "cả thế giới" khi tìm cách hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong gần 40 năm qua, Mỹ và Iran đã đứng ở “hai đầu chiến tuyến”.

Câu hỏi đặt ra cho nước Mỹ luôn là làm thế nào để thay đổi hành vi của Iran - như việc hậu thuẫn khủng bố, phát triển hạt nhân và khai thác sự khác biệt trong khu vực về phương cách quản trị của chính quyền Arập dòng Sunni và nỗi bất bình của người dân Arập dòng Shi’ite, cùng một loạt hành vi vi phạm nhân quyền khác- chủ yếu thông qua việc kết hợp sức ép kinh tế và cô lập chính trị.

Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã sống sót và thích nghi, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt.
Ngày 13/10, quan hệ Mỹ-Iran hướng sang ngã rẽ mới, với việc Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu mang hơi hướng thù địch, lên án nước cộng hòa Hồi giáo này và đe dọa từ bỏ Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) mà Iran ký với nhóm P5+1 trừ phi Quốc hội Mỹ sửa đổi các điều khoản theo hướng thắt chặt hơn.
Với việc từ chối ký xác nhận Iran tuân thủ JCPOA, ông Trump đã phá hoại những nỗ lực từng giúp hình thành nên chính sách mở cửa của Washington đối với Tehran gần đây.

Bước đi này cộng với động thái tuyên bố Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là “người bảo trợ” chủ nghĩa khủng bố sẽ không chỉ hủy hoại thỏa thuận hạt nhân cũng như uy tín của Mỹ trước các đồng minh chủ chốt, mà còn đặt Mỹ vào xu thế leo thang đối đầu với Iran.

Tình cảnh có thể nghiêm trọng hơn khi Mỹ hiện không duy trì các kênh tiếp xúc hiệu quả với Iran, trong khi sự thay đổi chính sách nguy hiểm của Washington đang hủy hoại các giải pháp ngoại giao phía trước.
Chính quyền Mỹ giờ đây cần trình bày chi tiết chiến lược của họ phối hợp với Quốc hội và các đồng minh của Mỹ để xử lý các vấn đề lớn hơn liên quan đến các hoạt động gây bất ổn và phát triển năng lực hạt nhân của Iran.
Chiến lược lớn hơn này nên xử lý việc Iran hỗ trợ các lực lượng dân quân ủy nhiệm mà đã phát triển mạnh trong 5 năm qua ở Syria, Iraq và Yemen, tìm cách thiết lập giới hạn cho chương trình phát triển tên lửa Iran, ngăn chặn các hoạt động khiêu khích trên biển và trên mạng của Iran, cũng như chống lại việc Iran phát tán thông tin qua truyền thông và các nhóm ủy nhiệm để định hình quan điểm dư luận.

Các công cụ này cho phép Iran có thể sử dụng vũ lực và định hình chiến lược trong khu vực theo các cách làm tổn hại đến các lợi ích của Mỹ, đồng minh và đối tác của Mỹ.
Chính quyền Mỹ cũng đang gây ra các rủi ro chính trị không đáng có với việc chuyển trách nhiệm cho Quốc hội. Quốc hội sẽ phải xác định làm thế nào để giải quyết “vấn đề nan giải” của việc Tổng thống không thừa nhận rằng việc gỡ bỏ trừng phạt cho Iran có lợi cho Mỹ, bởi ông không tin rằng Iran đang tuân thủ JCPOA.

Về vấn đề hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng Tổng thống Mỹ đã phát đi "một tín hiệu nguy hiểm và khó khăn" Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một đạo luật của Mỹ được Quốc hội thông qua hồi năm 2015 nhằm giám sát việc thực thi JCPOA, Tổng thống phải đưa ra quyết định có chứng thực việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không ba tháng một lần.

Quyết định của Tổng thống được đưa ra trong lúc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định rằng Iran tuân thủ thỏa thuận và 5 đồng minh khác của Mỹ cũng ký kết JCPOA vẫn mạnh mẽ ủng hộ thỏa thuận này.
Quốc hội Mỹ có thể tiến hành ít nhất 3 bước đi tiếp theo. Họ có thể không làm gì cả và chờ đợi đến cơ hội tiếp theo khi Tổng thống sẽ đưa ra lời chứng thực lần nữa trong vòng 90 ngày. Tổng thống sẽ làm vậy hoặc có thể kêu gọi Mỹ từ bỏ JCPOA.

Một lựa chọn khác đó là Quốc hội sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt, điều sau đó sẽ đe dọa JCPOA. Hoặc như Tổng thống đề xuất, Quốc hội có thể sửa đổi luật năm 2015 để bao gồm “điều kiện kích hoạt”, nghĩa là Mỹ tự động tái áp đặt các lệnh trừng phạt nếu Iran vượt qua các ranh giới đó.
Các “điều kiện kích hoạt” này có thể bao gồm các giới hạn đỏ trong việc phát triển tên lửa, một đánh giá của cơ quan tình báo cho rằng Iran đã đạt được năng lực hạt nhân để có thể chế tạo một quả bom hạt nhân trong vòng 1 năm, hay việc Iran từ chối mở rộng giới hạn sản xuất các nguyên liệu hạt nhân.

Hiện vẫn còn các câu hỏi về chương trình phát triển tên lửa và khả năng hạt nhân của Iran sau khi JCPOA hết hiệu lực. Tuy nhiên, Quốc hội nên khuyến khích Chính quyền Mỹ giải quyết các vấn đề này thông qua tiến trình đàm phán ngoại giao với Iran và các đồng minh Mỹ dựa trên JCPOA thay vì đẩy thỏa thuận này đứng trước nguy cơ.
Các nhà đầu tư quốc tế có thể rất lo sợ trước khả năng sự đồng thuận về JCPOA tan rã và không muốn theo đuổi các cơ hội đầu tư ở Iran nữa, điều khiến Iran tin rằng các bên ký kết JCPOA không thực sự nghiêm túc trong việc mở ra cơ hội cho Iran để đổi lấy việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Iran không phải là một quốc gia có quan điểm thống nhất và giống như Mỹ, họ cũng có các trung tâm quyền lực và quan điểm trái ngược nhau.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục