Chính phủ lâm thời Brazil công bố gói cải cách kinh tế

13:25' - 25/05/2016
BNEWS Ngày 24/5, Chính phủ của Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer đã công bố một gói chính sách kinh tế, trong đó chú trọng cắt giảm chi tiêu công nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay.
Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trong cuộc họp với các bộ trưởng và các nghị sĩ ủng hộ tại thủ đô Brasilia, Tổng thống lâm thời Temer nhấn mạnh việc khôi phục tăng trưởng kinh tế đòi hỏi "một liều thuốc mạnh" và sẽ phải mất một thời gian dài để đưa Brazil thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ông cho biết dự thảo các chính sách mới gồm việc sửa đổi Hiến pháp với mục đích giới hạn việc gia tăng chi tiêu công hàng năm ở mức tương đương tỷ lệ phạm phát của năm trước đó. Theo ông Temer, trong giai đoạn 1997-2015, chi phí dành cho chi tiêu công tăng từ mức 14% lên 19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng nhiều hơn tỷ lệ lạm phát và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Chính phủ mới cũng cho rằng cần phải cắt giảm chi tiêu trong y tế và giáo dục. Ông Temer muốn ngăn chặn tình trạng nợ công gia tăng, hiện tương đương 67% GDP. 
Ngoài ra, Tổng thống lâm thời Temer cũng yêu cầu Quốc hội nhanh chóng thông qua mức thâm hụt ngân sách dự kiến cho năm nay ở mức kỷ lục 48 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 27 tỷ USD đề ra trước đây của chính phủ Tổng thống vừa bị đình chỉ Dilma Rousseff.

Ông cũng đề xuất sửa đổi luật khai thác dầu khí, theo đó cho phép các công ty tư nhân tham gia khai thác tại lớp "tiền muối" (pre-salt) ở các lớp đá muối ngoài khơi Đại Tây Dương, với trữ lượng 114 tỷ thùng, mà không phải qua Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố khả năng sử dụng nguồn tài chính Quỹ chủ quyền được thành lập dưới thời Tổng thống Lula da Silva nhằm hỗ trợ các dự án phát triển của ngành giáo dục từ việc trích lại nguồn tiền thu được do xuất khẩu dầu khí. 
Theo quy định, gói giải pháp kinh tế của chính phủ lâm thời cần phải được 3/5 trong tổng số 81 thượng nghị sĩ và 513 hạ nghị sĩ thông qua. Giới quan sát nhận định Chính phủ của ông Temer sẽ khó có thể đạt được số phiếu ủng hộ cần thiết bởi nhiều nghị sĩ sẽ không ủng hộ việc cắt giảm ngân sách trong các chương trình phúc lợi xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân hiện đang gặp nhiều khó khăn. 
Brazil đang ở trong năm suy thoái thứ hai và các dự báo đều cho thấy nước này sẽ không thể phục hồi trước năm 2018. Cuối tháng 2 vừa qua, Moody's đã trở thành hãng xếp hạng tín nhiệm thứ ba trên thế giới hạ bậc tín nhiệm của Brazil xuống mức "vô giá trị" với lý do nền kinh tế này đang đối mặt núi nợ công cao và tình hình chính trị bất ổn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục