Chính phủ yêu cầu đóng cửa các cơ sở sản xuất phân bón không phép

21:46' - 02/12/2015
BNEWS Ngày 2/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sớm đóng cửa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón không có giấy phép, có giấy phép nhưng không đủ điều kiện.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chiều 2/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) đã họp với các bộ, ngành về công tác phòng chống buôn lậu và hàng giả trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 398 Quốc gia, nói: "Các cuộc kiểm tra, thanh tra tăng lên song số vụ xử phạt vẫn ít. Nếu nói văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ chế tài răn đe thì chưa phải bởi ngay trong các quy định về vi phạm chất lượng, nhãn mác, bao bì đều có thể quy ra trị giá sản phẩm và có thể căn cứ vào đó để xử phạt. Vấn đề là chúng ta chưa kiên quyết, lực lượng chưa thực sự vào cuộc, các địa phương chưa vào cuộc". 
"Từ biên giới cho đến nội địa cần phân định rõ trách nhiệm từng đơn vị, Bộ, ngành. Theo đó, đối với lực lượng quản lý biên giới, trách nhiệm là không để lọt hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm vào trong nước. Ngược lại bên trong nội địa, không có địa bàn nào không có quản lý thị trường; không có Bộ, ngành nào không có thanh tra chuyên ngành; không có huyện, phường nào không có công an. Tất cả lực lượng vào cùng hành động, cùng vào cuộc, thậm chí cả nhân dân vào tổng kiểm tra giám sát sẽ tạo ra sự chuyển biến. Không thể làm như bắt cóc bỏ đĩa hiện nay", ông Nguyễn Văn Cẩn chỉ ra. 
Trước tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn hoành hành phổ biến và phức tạp, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, có nhiều quy định quản lý phân bón nhưng thị trường vẫn chưa đi vào nề nếp. Công tác quản lý giữa hai bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) còn nhiều chồng chéo. Lực lượng cán bộ chuyên môn rất mỏng song hệ thống quản lý gần như buông lỏng. Chính sự buông lỏng đó đã dẫn đến tình trạng ăn hối lộ, bao che những hành vi vi phạm. Do đó, trước hết cần quy hoạch lại ngành phân bón. 
Hiện cả nước có khoảng 1.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất phân bón song mới chỉ có khoảng 90 cơ cơ được cấp phép. Đây lại là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Cục Hóa chất phải quyết liệt thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón.

"Nếu doanh nghiệp, cơ sở nào không có giấy phép, có giấy phép nhưng không đủ điều kiện phải sớm đóng cửa. Phải lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh phân bón" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Nông dân vẫn chưa được hướng dẫn sử dụng phân bón một cách hiệu quả và đúng cách. Ảnh: TTXVN

Về vấn đề các chất kích thích như Salbutamol, Clebuterol… được sử dụng trong chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đây là những mặt hàng khi nhập về đều được sản xuất trong các cơ đạt tiêu chuẩn GMP để sản xuất thuốc cho người. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị nhập báo cáo nguồn gốc sản phẩm nhập và bán cho các đơn vị nào. Bộ đã thành lập 4 đoàn thanh tra và sẽ thanh tra ngay. Nếu có dấu hiệu vi phạm bán cho ngành nông nghiệp, bán cho người sản xuất thì phải xử lý nghiêm, chuyển ngay cho cơ quan công an vào cuộc. 

“Các chất cấm này có trong chăn nuôi có thể qua con đường nhập lậu. Do vậy, cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu”, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh. 
Tại cuộc họp các đại biểu đều cho rằng, trách nhiệm đặt ra là cả hệ thống chính quyền các cấp (UBND cấp huyện, xã) phải vào cuộc với lực lượng nòng cốt là quản lý thị trường, công an, thanh tra nông nghiệp. 
Trước tình trạng các đơn vị kiểm định, kiểm nghiệm vẫn còn cho những kết quả khác nhau, các đại biểu đều cho rằng, công tác kiểm định vẫn còn yếu và thiếu. Đã giám định, cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm về kết quả giám định của mình, không thể để tình trạng cứ chạy quanh các kết quả giám định. Các đại biểu cũng đồng tình việc cho phép các đơn vị kiểm định, kiểm nghiệm độc lập, cho phép các trường, viện có đủ năng lực tham gia công tác này. 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với trên 3.100 cơ sở thuộc lĩnh vực thuốc thú y, thủy sản được thanh tra, kiểm tra đã phát hiện trên 1.100 có sở có hành vi vi phạm pháp luật. Trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, 11 tháng kiểm tra trên 5.800 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, có trên 900 cơ sở vi phạm. 
Các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp đã kiểm tra phát hiện 16% trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc; 7,6% trong số mẫu thịt bị kiểm tra có dư lượng chất kháng sinh vượt chỉ tiêu cho phép; 80% các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được kiểm tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc có thừa nhận dã từng sử dụng một số loại chất cấm nào đó./. 
Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục