Chính sách hỗ trợ hiệu quả cho ngành bán lẻ và ngành gỗ

14:57' - 06/10/2016
BNEWS Những chính sách hỗ trợ để 2 ngành này đứng vững trước làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và những rủi ro dễ gặp phải khi thâm nhập ra thị trường nước ngoài.
Rủi ro đối với ngành bán lẻ đang hiện hữu ngày càng rõ nét khi ngày càng nhiều các dự án FDI đầu tư ồ ạt vào kênh bán lẻ hiện đại. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 6/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa. Trường hợp của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ”.

Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia nghiên cứu về hội nhập, đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Điểm qua các cam kết quốc tế sau khi Việt Nam tham gia WTO, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc, Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) đã khái quát những biện pháp hỗ trợ và trợ cấp cho doanh nghiệp nội địa; định hình phần không gian chính sách còn lại cho các ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ và ngành dịch vụ (thuộc ngành bán lẻ)…

Qua đó kiến nghị những chính sách hỗ trợ để 2 ngành này đứng vững trước làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và những rủi ro dễ gặp phải khi thâm nhập ra thị trường nước ngoài.

Qua góc nhìn chuyên gia nghiên cứu, bà Trang cho rằng, ngành bán lẻ hiện chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng số các doanh nghiệp với 2 triệu cơ sở kinh doanh cá thể (hay còn gọi là hộ kinh doanh), ngoài ra, còn có khoảng 1.750 dự án FDI.

Lĩnh vực này không chỉ có tác động xã hội mạnh mẽ bởi thu hút tới hơn 3 triệu lao động đang làm việc, mà còn tác động kinh tế khi nắm giữ vai trò đầu ra cho nhiều ngành sản xuất và tạo động lực to lớn cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, rủi ro đối với ngành bán lẻ đang hiện hữu ngày càng rõ nét khi ngày càng nhiều các dự án FDI đầu tư ồ ạt vào kênh bán lẻ hiện đại. Cùng với đó là sự cạnh tranh yếu ớt và thiếu chuyên nghiệp của kênh bán lẻ truyền thống… Hệ lụy kéo đến là sản xuất nội địa đang mất dần đầu ra, bà Trang phân tích.

Cùng với ngành bán lẻ, hiện trạng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ cũng không khả quan hơn. Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu cho biết, trong vòng 1 thập kỷ qua (2004-2014), kim ngạch xuất khẩu gỗ đã tăng lên 6 lần. Năm 2015, ngành này đạt mức 6,9 tỷ đô la Mỹ xuất khẩu với giá trị gia tăng tương đối.

Hiện tại, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ có khoảng 3.900 doanh nghiệp với 340 làng nghề và tạo công ăn việc làm cho khoảng 300.000 lao động.

Một góc dây chuyền sản xuất gỗ dăm xuất khẩu. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Ngành này hiện đang nắm vai trò đầu ra cho sản xuất lâm nghiệp và tác động tới đời sống của hàng triệu lao động trồng rừng; đồng thời tác động trực tiếp tới chính sách môi trường và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho hay, ngành gỗ luôn chịu nhiều rủi ro pháp lý ở thị trường xuất khẩu và triển vọng phát triển lại phụ thuộc vào giá FOB (người bán giao cho người mua qua lan can tàu tại cảng xếp hàng) và CIF (giao hàng tại cảng dỡ hàng).

Tại hội thảo, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề xuất một số chính sách hỗ trợ đối với ngành bán lẻ như hỗ trợ thuế và ưu đãi đầu tư; hỗ trợ tài chính bằng cách khuyến khích cho vay tín dụng và cải cách cơ chế thu thuế đối với các doanh nghiệp bán lẻ.

Ngoài ra, cần các chính sách khuyến khích đào tạo lao động để cải thiện năng lực chuyên môn và nâng cao trình độ quản lý trong ngành bán lẻ. Cùng với đó là hỗ trợ thông tin thị trường để đảm bảo thực thi hiệu quả và chặt chẽ các cam kết mở cửa thị trường của ngành bán lẻ.

Đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Tô Xuân Phúc cũng kiến nghị nhiều giải pháp chính sách hỗ trợ để loại bỏ mọi rủi ro đối với từng chủ thể thực hiện. Cụ thể như: thiết lập cơ chế kiểm tra tính hợp pháp nguồn gốc gỗ theo yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu và phải miễn phí thực hiện cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống kiểm soát chuỗi cung hiệu quả và hỗ trợ một phần chi phí cho doanh nghiệp để xây dựng chứng chỉ cam kết chất lượng…; khắc phục rủi ro về lao động bằng cách hỗ trợ đào tạo lao động nghề mộc cho các doanh nghiệp…

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) kiêm Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế (VCCI) lưu ý tính khả thi của các giải pháp được đề xuất từ những không gian chính sách còn lại cũng cần cân đối với nguồn lực của Nhà nước và các cơ chế thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục