Chính sách là đòn bẩy để nâng sức doanh nghiệp

09:14' - 12/10/2016
BNEWS Cùng với thông điệp về Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. Ảnh: Thạch Huê/TTXVN

Nhân kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về đánh giá những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi để phát triển doanh nghiệp trong năm 2016, được coi là Năm doanh nghiệp.

BNEWS: Ông nhìn nhận như thế nào về những nỗ lực của Chính phủ trong Năm doanh nghiệp 2016 này?

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc: Sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII, chủ trương và biện pháp mới được đề ra là phải xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, coi kinh tế tư nhân là động lực, coi doanh nghiệp là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngay khi Chính phủ mới được thành lập, Thủ tướng đã có cuộc gặp mặt các doanh nghiệp, với tư cách là giới chức xã hội đầu tiên vào dịp 30/4 và 1/5, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện đánh dấu sự đồng thuận, thống nhất trong việc thúc đẩy cải cách giai đoạn sau Đại hội Đảng, với tinh thần thần tốc và táo bạo nhằm thực hiện công cuộc đổi mới trong giai đoạn mới.

Cùng với thông điệp về Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng cũng ra nghị quyết đầu tiên về phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam – Nghị quyết 35/NQ-CP. Có thể nói, đây chính là nghị quyết đầu tiên về khởi nghiệp của Việt Nam và cũng là lần đầu tiên, trong nghị quyết của Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp, phấn đấu tới năm 2020 đất nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Làm sao để trong 4 năm đến 5 năm tới, số lượng doanh nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Điều này có khả thi không? Tôi hiểu quyết định này của Thủ tướng dựa trên cơ sở phân tích khoa học và thực tiễn.

Bởi, hiện nay, ta đã có 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Cả nước, cũng đã có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh với khoảng 1,8 triệu hộ có đăng ký. Nếu các chính sách mà chúng ta thúc đẩy tốt thì các hộ kinh doanh này có thể đăng ký dưới doanh nghiệp, và như vậy sẽ dễ dàng đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp.Thậm chí có thể sẽ đạt được cao hơn.

Chính sách là đòn bẩy để nâng sức doanh nghiệp.Ảnh minh họa: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN.

Cùng với Nghị quyết 35; Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng tiếp tục được triển khai trong năm 2016, trên nền tảng cũ và được thúc đẩy theo định hướng mới. Hiện nay Chính phủ đang xây dựng cơ chế chính sách về thủ tục hành chính, đặc biệt là về thuế; khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp và VCCI cũng nắm vai trò chủ trì việc này.

Tôi tin rằng, với việc thay đổi chính sách chung và những biện pháp thúc đẩy khác nữa, sẽ không khó hiện thực hóa mục tiêu: tăng gấp đôi số doanh nghiệp trong thời gian tới.

BNEWS:Tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 35 là xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Theo ông tư tưởng phục vụ doanh nghiệp trong nghị quyết đã được thể hiện như thế nào

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc: Chính phủ kiến tạo không phải là sáng kiến của Việt Nam, là khái niệm chung của thế giới. Thực ra, chúng ta phải theo con đường chung của thế giới để xây dựng Chính phủ theo hướng đó.

Tôi nghĩ mọi chính phủ của nền kinh tế hiện đại đều được xây dựng theo hướng chính phủ kiến tạo. Nếu chính phủ quản lý, chính phủ cai trị sẽ không có được nền kinh tế phát triển. Lần đầu tiên trong nghị quyết Chính phủ đã khẳng định rõ ràng sự thay đổi về quan điểm giữa Chính phủ và doanh nghiệp, giữa doanh nhân và công chức, thực sự trở thành bạn đồng hành, là đồng chí; chứ không phải người quản lý và người bị quản lý; không phải là quan hệ xin cho.

Hiện nay trong bộ máy hành chính có người làm bằng tâm, thực hiện trách nhiệm đối với doanh nghiệp, nhưng cũng có người gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, cũng có cán bộ hoàn thành với bổn phận, chức trách của mình không phải bằng cái tâm.

BNEWS: Vậy theo ông để thực sự trở thành một Chính phủ kiến tạo phục vụ người dân, doanh nghiệp, điều cần thiết là gì?

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc: Nghị quyết đã nói rõ về phương thức phục vụ. Bây giờ phải chuyển quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặt trên cơ sở niềm tin của người dân vào doanh nghiệp. Xưa nay, chúng ta luôn làm theo kiểu đề phòng, nên quản lý không được. Nếu quản lý không được phải xem lại.

Tức là vì yêu cầu quản lý không phải vì yêu cầu phát triển; việc đặt niềm tin cũng không phải vì đề phòng đối với người dân và doanh nghiệp; không thể vì một người mắc bệnh mà bắt cả làng uống thuốc… Đó là quan điểm rất mới về xây dựng nền quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ kiểm soát sang phục vụ, không được thanh tra, kiểm tra chồng chéo.

Các địa phương mỗi năm một lần, cố gắng kết hợp tất cả các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào một lần để doanh nghiệp phục vụ một lần. Tôi thấy có đồng chí doanh nghiệp nói sổ sách không đưa vào kho nữa, để sẵn tại phòng khách để mỗi lần các cơ quan thanh tra kiểm tra đến không phải bê lên, bê xuống.

Các cơ quan thanh tra kiểm tra phải liên thông, phối hợp với nhau cùng vào doanh nghiệp, chỉ thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN

Thủ tục làm hành chính cũng không bổ sung hồ sơ quá 1 lần. Vì thực tế, đã có nhiều cơ quan hết lần này đến lần khác yêu cầu bổ sung. Cũng cần ghi nhận, một số địa phương đã đi trước, như Quảng Ninh, khi chưa có Nghị quyết 35 đã ra yêu cầu các cơ quan nếu bắt doanh nghiệp phải bổ sung quá 1 lần thì phải giải trình và xin lỗi doanh nghiệp trước khi yêu cầu doanh nghiệp phải bổ sung.

Nghị quyết 35 nói không được bổ sung hồ sơ quá 1 lần, tăng cường đối thoại, công khai đường dây nóng, một cửa liên thông, Chính phủ điện tử, v.v…

BNEWS: Vậy qua gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 và 19/NQ-CP của Chính phủ, thực tế đã ghi nhận được kết quả gì với cộng đồng doanh nghiệp thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc: Với nỗ lực phấn đấu trở thành 3 nền kinh tế có sức cạnh tranh về môi trường kinh doanh hàng đầu trong khu vực cùng với Singapore và Malaysia, thì sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là hết sức cần thiết, nhất là trong một số lĩnh vực như hải quan chẳng hạn.

Thực chất, chúng ta tham dự Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn là sân chơi đẳng cấp cao nhất của toàn cầu, nên cần cải cách hành chính và môi trường kinh doanh theo đúng tinh thần ấy.

Đơn giản thôi, xem các nước làm thế nào mình học theo, quy trình, công nghệ, thủ tục như thế nào. Trong thuế, hải quan các đồng chí phấn đấu 97% đến 100% kê khai thuế qua mạng, nộp thuế qua mạng, hoàn toàn có khả năng thực hiện được, không phải là điều quá xa vời.

Trong quá trình theo dõi đến nay, tôi thấy hầu hết các tỉnh đều có chương trình hành động theo Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 và áp dụng những mô hình mới, ví dụ như thành lập trung tâm hành chính công, cơ quan xúc tiến đầu tư theo quan niệm mới.

Đây cũng là mô hình chung của các địa phương trên cả nước, đó là từ 1 cơ quan hành chính trở thành 1 trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh. Nhiều nơi cơ quan xúc tiến đầu tư đặt dưới sự chỉ đạo của hội đồng thúc đẩy đầu tư công, bí thư trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo, theo cách từ trên xuống.

Bây giờ khi các nhà đầu tư đến làm việc với tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh xem xét thấy phù hợp, yêu cầu cơ quan cấp dưới phải thực hiện các thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tiên. Tức là quyết định từ trên xuống không chờ dưới trình lên.

BNEWS:Vậy thách thức lớn nhất của Chính phủ hiện nay là gì?

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc: Thách thức lớn nhất của Chính phủ và của các chính quyền địa phương hiện nay là tạo chuyển biến của đội ngũ cán bộ, các công chức ở từng cơ sở, quận, huyện, xã, phường, mặc dù đây là mảng rất quan trọng.

Vì vậy, để tạo ra bước chuyển thì ngoài chương trình hành động, mục tiêu, định hướng, quyết tâm của lãnh đạo, thì cần thực hiện một quy trình về tiêu chuẩn cán bộ, thực hiện đánh giá kết quả công việc của từng cá nhân, thực hiện Chính phủ điện tử tạo sự giám sát và tăng cường vai trò giám sát của nhân dân và doanh nghiệp… là những công cụ số một có thể giúp cải thiện hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Đó mới là điều cần phải quan tâm nhất./.

BNEWS: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục