Chính thức khai thác 44 cầu đường sắt Bắc - Nam

13:03' - 14/01/2016
BNEWS Ngày 14/1, tại cầu đường sắt Sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), Bộ Giao thông Vận tải tổ chức khánh thành 44 cầu đường sắt thuộc dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh.
 
Dự án vượt tiến độ hơn 8 tháng, nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu theo thiết kế 120km/h cho tàu khách và 80km/h cho tàu hàng. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, việc tổ chức khánh thành, thông tàu tại vị trí Sông Bồ hôm nay đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ 44 cầu của dự án, đưa vào khai thác, sử dụng góp phần nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt, nâng cao tốc độ chạy tàu và rút ngắn hành trình khoảng 70-80 phút cho các đoàn tàu trên tuyến, tăng tốc độ chạy tàu từ 15-30km/h lên 80-100km/h khi qua những cây cầu này.

Bên cạnh đó, năng lực vận tải của toàn tuyến tăng lên, đáp ứng lượng khách đi tàu cũng như nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa ngày càng tăng lên. Đồng thời, một số nút giao đồng mức cũng được xóa bỏ, đảm bảo an toàn trong quá trình đi lại hai bên đường sắt của người dân địa phương.
Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh được Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư năm 2004 và được điều chỉnh lần 1 năm 2007 và điều chỉnh lần 2 năm 2012.

Mục tiêu nhằm nâng cao an toàn chạy tàu; Nâng cao an toàn cho các hoạt động giao thông khác và dân sinh hai bên đường sắt trong phạm vi dự án; Rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh.

Dự án 44 cầu do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt là đại diện chủ đầu tư. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS.

Ông Lê Kim Thành chia sẻ: “Để đẩy nhanh được tiến độ, Ban Quản lý dự án đường sắt đã chỉ đạo sát sao tại công trường. Dựa vào địa hình, điều kiện khí hậu từng mùa trong năm để tổ chức thi công khoa học, hợp lý đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và an toàn".

Với phương án thi công chuyển tuyến hoặc sàng dầm như trên, lần lượt các cầu của dự án 44 cầu hoàn thành trong điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cứ mỗi cầu được hoàn thành, Ban Quản lý dự án đường sắt, đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công lại rút ra kinh nghiệm để những lần sàng dầm sau được chính xác và nhanh hơn”. 
Ông Lê Kim Thành cho biết thêm, chỉ trong vòng một năm, 18 cầu và hạng mục của dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh đã được hoàn thành, vượt tiến độ khoảng 8 tháng so với hợp đồng.

Trong dự án có nhiều công nghệ mới, lần đầu tiên áp dụng trên các tuyến đường sắt của Việt Nam như ray hàn liền, ray hàn liền liên kết trực tiếp trên dầm thép, cầu đường sắt bê tông cốt thép dự ứng lực bằng công nghệ đúc hẫng có ray liên kết với dầm bê tông bằng hệ thống liên kết đặc biệt không dùng đá balát giúp tàu chạy êm thuận, ít rung lắc.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư là 37,153 tỷ yên Nhật và 1.054 tỷ đồng vốn đối ứng để khôi phục 44 cầu với tổng chiều dài 6.553nm và hơn 45.000m đường sắt hai đầu cầu; cải tạo, làm mới 22 đường ngang; xây mới 3 cầu chui và 24 cống hộp chui dân sinh; nâng cấp, cải tạo, làm mới 15 đường chui dưới cầu; xây mới 2 cầu vượt tại phía Nam ga Ninh Bình và phía Nam cầu Đò Lèn; xây dựng mới ga Ninh Bình.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục