Chính thức triển khai xóa "điểm nghẽn" nợ xấu trong nền kinh tế

17:40' - 15/08/2017
BNEWS “Nút thắt” xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Nghị quyết 42/2017/QH 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) có hiệu lực từ ngày hôm nay (15/8).
Thí điểm xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực: Khi nút thắt được tháo gỡ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Đây là lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội và nó đang được kỳ vọng sẽ mang lại một “diện mạo” mới cho câu chuyện xử lý “điểm nghẽn” của nền kinh tế.
Nghị quyết xử lý nợ xấu xác định rõ không dùng tiền ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, đồng thời tạo cơ chế cho các ngân hàng xử lý. Phạm vi nợ xấu được xử lý sẽ là toàn bộ nợ xấu phát sinh đến 15/8/2017.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã nhận định, nếu Nghị quyết được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
“Văn bản này thực sự đã làm cho các tổ chức tín dụng hết sức phấn khởi và hy vọng việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo trong thời gian tới được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi hơn”, Thống đốc nói.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng kỳ vọng, khi Nghị quyết đi vào cuộc sống, tinh thần của các khách hàng vay vốn sẽ được cải thiện, không còn tâm lý trây ỳ, né tránh không thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình.

Tuy nhiên, cần thành lập sớm các công ty mua bán nợ tư nhân trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan trung ương.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cố phần Kỹ thương (Techcombank) Đỗ Tuấn Anh cũng nhận định, bên cạnh hành lang pháp lý, cơ chế cần thiết thì trách nhiệm và năng lực thực tế của mỗi ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu là rất quan trọng.

Bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải chủ động chuẩn bị nguồn lực, ban hành các văn bản pháp lý phù hợp để triển khai thực hiệu quả.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng cho rằng, Nghị quyết 42 sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu vốn là điểm nghẽn lớn của hệ thống kinh tế.

Qua đó góp phần đảm bảo hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh hơn, có thể giảm lãi suất được một phần.
“Nghị quyết cũng sẽ góp phần đảm bảo uy tín quốc tế của Việt Nam, vì đối với các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay hệ thống ngân hàng của chúng ta còn yếu kém, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu. Ngoài ra, với Nghị quyết này việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống kinh tế nói chung sẽ được thúc đẩy nhanh hơn”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói.

Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng buộc phải xử lý các khoản nợ xấu đã phát sinh, và với tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng thì một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả là tỷ lệ nợ xấu phải giảm xuống trong thời gian sau này. Theo đó thì quy mô nợ xấu hy vọng sẽ về mức hợp lý.
“Tuy nhiên, sau khi thực hiện các biện pháp theo Nghị quyết xử lý nợ xấu thì tôi hy vọng các biện pháp hữu hiệu, phù hợp với thực tế để xử lý nợ xấu mà sau khi đã thực hiện xong trong 5 năm thì có thể kế thừa để có những khuôn khổ về pháp lý, cơ chế, chính sách kể cả thể chế để có thể tiếp tục xử lý nợ xấu tốt hơn trong giai đoạn sau này”, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho biết thêm.
Ở một góc nhìn khác, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Tài chính Ngân hàng (Học viện Tài chính – Bộ Tài chính) lại nhận định, văn bản pháp lý này tạo nên những tiền đề nhất định về mặt chủ trương, tư tưởng nhưng có lẽ để thúc đấy quá trình xử lý nợ xấu cần nhiều hơn thế.
Bởi theo vị chuyên gia này, để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống vẫn cần rất nhiều văn bản hướng dẫn, bên cạnh đó, để xử lý nợ xấu dù sao vẫn cần đến tiền.

Các khoản nợ xấu khi bán đi sẽ không được giá trị như ban đầu, sẽ phát sinh thua lỗ.

Vậy xử lý các khoản thua lỗ ấy sẽ như thế nào, nếu không được xử lý thì quá trình xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục nhùng nhằng. Vấn đề mấu chốt vẫn là khâu thực hiện cần đòi hỏi sự quyết liệt.
Tại hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trong toàn ngành ngân hàng diễn ra mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng đã yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tập trung hoàn thiện để ban hành các văn bản pháp lý có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.

Ngay trong ngày 15/8, một văn bản hướng dẫn triển khai việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực đó là Thông tư số 09/2017/TT-NHNN (Thông tư 09) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 của Thống đốc NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo đó, Thông tư số 09 sửa đổi, bổ sung một số nội dung về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC cho phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42, Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn và thực tiễn hoạt động của VAMC.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định, với việc xử lý nợ xấu theo cơ chế cho phép của Nghị quyết này thì chi phí tài chính giảm và chắc chắn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ giảm./.

Như vậy, hệ số an toàn vốn, tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng được gia tăng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục