Chôm chôm đặc sản Cầu Kè trước nguy cơ “xóa sổ”

05:16' - 12/05/2016
BNEWS Do ảnh hưởng hạn, mặn từ đầu năm 2016 đến nay, hầu hết diện tích chôm chôm nơi đây đang rơi vào tình trạng rụng trái non và chết dần, khiến nhiều nhà vườn trắng tay.
Chôm chôm Cấu Kè. Ảnh: travinh.gov.vn

Hơn tuần qua, nhiều vườn chôm chôm đặc sản Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) bị triệt hạ. Nguyên nhân là do ảnh hưởng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn khiến các vườn chôm chôm bị rụng lá, rụng trái non, còi cây và chết dần.

Ông Lê Văn Bé, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh cho biết, huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất tỉnh. Đặc biệt, huyện có cù lao Tân Qui của xã An Phú Tân nằm giữa dòng sông Hậu, nhờ được bồi đắp phù sa màu mỡ, quanh năm nước ngọt nên vườn cây ăn trái nơi đây rất trù phú.

Cù lao có 2 ấp Tân Qui 1 và Tân Qui 2, với khoảng 600 ha chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản như: bưởi, chôm chôm, xoài, vú sữa, măng cụt... Sản lượng hàng năm đạt khoảng 15.000 - 20.000 tấn trái. Bình quân mỗi năm, vườn cây đặc sản nơi đây cho nhà vườn tổng thu nhập hàng trăm tỷ đồng.

Trong đó, diện tích chôm chôm có khoảng 276 ha, chiếm gần 50% diện tích vườn cây đặc sản của cù lao Tân Qui và hơn 90% diện tích chôm chôm toàn tỉnh.

Đây là loại trái cây nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, vì cho vị ngọt thanh, cơm dày và tróc hột, hiếm địa phương nào có được. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn, mặn từ đầu năm 2016 đến nay, hầu hết diện tích chôm chôm nơi đây đang rơi vào tình trạng rụng trái non và chết dần, khiến nhiều nhà vườn trắng tay.

Bà Phạm Thị Mến, ấp Tấn Qui 2, xã An Phú Tân, huyện Cầu kè cho biết, gia đình bà có 0,9 ha trồng chôm chôm. Bình quân mỗi năm cho sản lượng khoảng 20-25 tấn trái, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhưng năm nay, mặn xâm nhập làm vườn chôm chôm của bà bị rụng trái, rụng lá.

Vụ chôm chôm này xem như gia đình bà thất thu hoàn toàn. Trước tình cảnh này, buộc lòng bà phải đốn bỏ toàn bộ diện tích chôm chôm của gia đình để tìm cây trồng khác thay thế tạo thu nhập.

“Cây còi quá, thấy tình hình dưỡng không được nên tui kêu người đốn bán lấy củi, lấy tiền bán củi này đầu tư trồng lại cây khác”. Bà Mến ngậm ngùi tiếc rẻ.

Vườn chôm chôm 1,5 ha hơn 10 năm tuổi của ông Cao Văn Nhã, ấp Tân Qui 2, xã An Phú Tân cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Mọi năm, vườn chôm chôm của gia đình ông cho sản lượng khoảng 35 tấn, nhưng năm nay chỉ thu hoạch được 6 tấn. Vụ này, ông thất thu hàng trăm triệu đồng.
Theo các nhà vườn lớn tuổi tại địa phương, tình trạng này trước đây chưa từng xảy ra. Hiện hơn 80% diện tích chôm chôm tại cù lao Tân Qui bị vàng lá, rụng lá, rụng trái non và chết dần. Để vườn chôm chôm có thu nhập, nhà vườn phải mất từ 3-5 năm đầu tư và chăm sóc nên không ai muốn đốn bỏ.

Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật nên nhà vườn rất lúng túng trong việc tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này. Nhiều nhà vườn buộc lòng phải triệt hạ cây chôm chôm để tìm cây trồng khác thay thế. Nhà vườn trồng chôm chôm tại cù lao Tân Qui hiện rất mong muốn ngành nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật giúp giữ lại diện tích cây chôm chôm của gia đình.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh cần nhanh chóng khảo sát hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật để nhà vườn có thể nuôi dưỡng lại vườn chôm chôm. Nếu không, nguy cơ xóa sổ loại trái cây đặc sản chôm chôm Cầu Kè (Trà Vinh) là điều khó tránh khỏi../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục