Chống ngập ở TPHCM: Ưu tiên xóa "điểm đen" có lưu lượng giao thông cao

08:47' - 07/06/2017
BNEWS Hàng loạt dự án chống ngập đã và đang được triển khai tại TP Hồ Chí Minh nhưng chỉ mới bước vào đầu mùa mưa, nhiều tuyến đường ở đây đã ngập nặng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Nhiều tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh ngập sâu vì mưa lớn. Ảnh: TTXVN

Hàng loạt dự án chống ngập đã và đang được triển khai tại TP Hồ Chí Minh với số tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ mới bước vào đầu mùa mưa, nhiều tuyến đường của Thành phố đã ngập nặng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

* Ngập sâu tại nhiều tuyến đường

Theo thông tin từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (Trung tâm chống ngập), từ giữa tháng 5 đến nay, xuất hiện một số cơn mưa khá lớn khiến nhiều khu vực Thành phố ngập sâu trong nước, kéo dài nhiều giờ, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Trong đó, nhiều tuyến đường bị ngập sâu như: Lương Định Của (quận 2); Hồ Học Lãm (Bình Tân); Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ (Gò Vấp); Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh); Xa lộ Hà Nội (Thủ Đức); Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt (quận 9); Nguyễn Văn Quá (quận 12)…

Trung tâm chống ngập cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh có 40 điểm ngập do mưa và 9 điểm ngập do thủy triều ở những tuyến đường lớn do trung tâm này giám sát. Ngoài ra còn có 179 điểm ngập ở những tuyến đường hoặc hẻm do quận, huyện quản lý.

Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho các dự án chống ngập. Tại các lưu vực đều có các dự án với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án cải thiện vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Kênh Đôi - Kênh Tẻ, dự án cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm.

Bên cạnh đó, hàng trăm dự án chống ngập nhỏ, chống ngập cục bộ cho các khu dân cư cũng được triển khai và đưa vào sử dụng. Hiện tại, Thành phố đang triển khai dự án Giải quyết ngập cho do triều cường (phê duyệt tháng 12-2015) với tổng vốn đầu tư là 10.000 tỷ đồng. Tháng 5-2016, UBND Thành phố cũng đã phê duyệt dự án đầu tư Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP Hồ Chí Minh với số vốn hơn 9.500 tỷ đồng do trung tâm chống ngập làm chủ đầu tư (kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016-2021)…

Tuy nhiên, tình trạng ngập tại Thành phố vẫn chưa giảm, thậm chí một số chuyên gia dự báo trong tương lai Thành phố sẽ còn ngập nặng hơn. Theo Trung tâm chống ngập, nguyên nhân là do hệ thống thoát nước của Thành phố được đầu tư đã lâu, một số vị trí bị xuống cấp, trong khi thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, lượng mưa lớn bất thường kết hợp thủy triều làm lượng nước đổ xuống vượt tần suất thiết kế của cống, nhiều điểm ngập còn chưa có hệ thống cống hoặc có nhưng đã cũ không bảo đảm thoát nước; nhiều dự án chống ngập còn đang triển khai, chưa hoàn thiện…

Bên cạnh đó, ý thức của một số hộ gia đình trong công tác bảo vệ môi trường và hệ thống thoát nước chưa cao, tình trạng xây dựng lấn chiếm sông, kênh rạch, tuyến cống, hầm ga, cửa xả... của người dân đã làm hạn chế, tắc nghẽn dòng chảy.

Báo cáo với Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trong cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội thành phố 5 tháng đầu năm 2017 (ngày 29-5), ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến đầu năm 2017, trên địa bàn Thành phố còn 67 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm, đến nay mới xử lý được 7 vị trí; còn 88 tuyến cống bị lấn chiếm với chiều dài hơn 13 km, đến nay mới xoá được 5 vị trí; có 97 vị trí lấn chiếm hầm ga, đến nay mới khắc phục 12 vị trí; còn 53 vị trí lấn chiếm cửa xả, mới xoá được 2 vị trí. Nhiều trường hợp vi phạm kéo dài nhiều năm, gây khó khăn và tốn kém khi di dời, giải tỏa.

* Ưu tiên xóa điểm ngập có lưu lượng giao thông cao

Thông tin với báo chí, ngày 16-5, ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2017, mục tiêu của Sở sẽ xóa 12/40 điểm ngập, riêng tháng 6-2017 sẽ xóa 8/40 điểm ngập thường xuyên. Ưu tiên xóa một số điểm ngập có lưu lượng giao thông cao như: QL 1A, QL 13 (quận Thủ Đức), đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Huỳnh Tấn Phát (quận 7)... Riêng dự án chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư, sẽ thực hiện trong vòng 10 tháng.

Bên cạnh đó, Sở đã đề nghị UBND các quận, huyện và Trung tâm chống ngập hoàn tất công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước trước ngày 15-6 nhằm bảo đảm thoát nước trong mùa mưa; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị máy bơm và nhân lực nhằm chủ động ứng cứu, bơm tiêu thoát nước, không để ngập úng kéo dài… Trong tháng 5 này, Sở đã phối hợp với Trung tâm chống ngập thu thập thông tin tình hình mưa lũ, cảnh báo các điểm ngập lên Cổng thông tin giao thông TP Hồ Chí Minh để người dân nắm được tình hình ngập nước và có lựa chọn đường đi phù hợp.

Để chủ động trong công tác chống ngập khi mùa mưa đến, Trung tâm chống ngập đã đề nghị UBND các quận, huyện tập trung giải tỏa cục bộ những điểm lấn chiếm kênh rạch, cửa xả, hố ga, đặc biệt các vị trí bị thắt nút cổ chai; chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xả rác, lấn chiếm và các hành vi xâm hại đến kênh rạch và hệ thống thoát nước; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác chống ngập và chỉnh trang đô thị.

Trung tâm chống ngập sẽ phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị liên quan, kiểm tra, đôn đốc tiến độ, khắc phục các vị trí ảnh hưởng do thi công các dự án chống ngập; tập trung thực hiện các giải pháp xóa, giảm ngập cấp bách, nạo vét có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả tốt trong mùa mưa; đồng thời, tiếp tục rà soát các điểm ngập và thực hiện các phương án khắc phục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục