Chống việc lợi dụng chính sách thuế để... né thuế

17:12' - 05/05/2016
BNEWS Theo ActionAid Việt Nam, Việt Nam mất 20 triệu USD/năm do áp dụng các ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp để thu hút vốn FDI và xảy ra tình trạng "né" thuế khá phổ biến của doanh nghiệp.
Metro Cash&Carry sẽ phải nộp thuế cho thương vụ chuyển nhượng. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Thời gian qua, liên tiếp những thông tin về hoạt động chuyển nhượng của một số tập đoàn bán lẻ lớn như Metro và Big C được dư luận quan tâm. Hai siêu thị này đều là những doanh nghiệp bán lẻ xây dựng được thương hiệu khá vững chắc tại Việt Nam. Xung quanh vụ chuyển nhượng này, nhiều ý kiến cũng e ngại “đây có phải là hành vi né thuế” của doanh nghiệp nước ngoài sau khi thụ hưởng chính sách về ưu đãi thuế. 

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế chia sẻ, cần hiểu rõ những doanh nghiệp đến kinh doanh tại Việt Nam có hai phần. Phần xác là thực thể pháp nhân đang hoạt động tại Việt Nam. Phần thứ hai là chủ sở hữu, tức là ông chủ thực sự. Quay lại câu chuyện của Metro và Big C, bản thân 2 doanh nghiệp kinh doanh lỗ nhưng chủ đầu tư vẫn bán được với số lãi lớn. 

“Như vậy, chúng ta có thu thuế không? Đương nhiên ngành thuế phải thu. Thu thuế này là thu với chủ đầu tư, ông chủ Metro bán cơ sở Metro”, ông Phụng nhấn mạnh. 

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, tại Việt Nam vấn đề chuyển nhượng thương hiệu như trên còn mới mẻ nhưng trên thế giới hoạt động này là bình thường bởi đây là quyền kinh doanh của doanh nghiệp. 

Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vigracera cũng cho rằng, xu hướng mua bán sáp nhập sẽ ngày càng được mở nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ "nhảy" vào bởi nhìn thấy được những mặt được và chưa được để chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể thành công. 

“Quan trọng là sử dụng lao động tại chỗ, không phải chi phí đào tạo. Nếu cổ phần hoá thì đấy là phần không định giá được nhưng thực tế giá trị lại rất lớn. Đây cũng là điểm mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm”, ông Minh nói. 

Lý giải về việc những doanh nghiệp lỗ vẫn có khả năng chuyển nhượng, ông Phụng nêu quan điểm, đây chính là bài toán kinh tế của mỗi doanh nghiệp. Bởi thay vì lập một doanh nghiệp mới, bắt đầu hoàn toàn từ con số “0” với việc mua lại doanh nghiệp trong điều kiện lỗ nhưng đã có thương hiệu khả năng sẽ sáng sủa hơn. Trong lý thuyết về thuế việc mua bán này hoàn toàn là bình thường. 

Theo ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, hiện tại Việt Nam, công cụ chủ yếu để thu hút vốn đầu tư nước ngoài là dùng ưu đãi liên quan đến chính sách thuế. Nhiều dự án sau khi hưởng ưu đãi lại chuyển hướng sang hoạt động khác nên Việt Nam không có lợi nhiều. Do vậy, bên cạnh ưu đãi về thuế, Việt Nam nên cần có những giải pháp khác để thu hút đầu tư. 

Mặt khác, ông Ánh cũng cho rằng, không ít doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam là doanh nghiệp liên quan đến tập đoàn với mô hình về chuyển giá và sử dụng biện pháp tránh thuế. Việc hoàn thiện quy trình quản lý thu để làm sao giải quyết tình trạng trên là rất cần thiết để hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam với mục đích chiếm chỗ và hưởng ưu đãi. 

Theo báo cáo tóm tắt về tác động của chính sách ưu đãi thuế và tình trạng tránh thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Tổ chức ActionAid Việt Nam và Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam thực hiện, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ban hành từ năm 1997 đến nay đã được sửa đổi ba lần (2003, 2008 và 2013). Qua mỗi lần, biểu suất thuế chuẩn đều giảm đáng kể. Lần sửa đổi năm 2008, thuế suất giảm từ 28% xuống còn 25%; lần sửa đổi năm 2013 tiếp tục đưa mức thuế suất xuống 22% và sẽ giảm xuống còn 20% từ năm 2016. 

Cũng theo ActionAid Việt Nam, mỗi năm Việt Nam mất 20 triệu đô la Mỹ do áp dụng các ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xảy ra tình trạng "né" thuế khá phổ biến của doanh nghiệp. 

Để đưa ra giải pháp hạn chế tình trạng trên, ông Phụng cho rằng, trước hết, phải hiểu rõ khái niệm "né" thuế từ đó đưa ra công cụ quản lý phù hợp. 

“Hành vi tránh thuế không phải là bất hợp pháp mà là người nộp thuế biết tận dụng kẽ hở để giảm thiểu nghĩa vụ nộp thuế”, ông Phụng nói. 

Trường hợp thứ nhất , doanh nghiệp có thể "né" thuế bằng cách chọn quốc gia, nơi đầu tư. Ví dụ nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng tại Việt Nam thuế có 20% trong khi đó tại Nhật thì thuế phải chịu là 37%. Như vậy, thay vì đầu tư tại Nhật, họ sẽ là lựa chọn Việt Nam là điểm đến để giảm nghĩa vụ thuế. Đây là cách lách thuế hợp pháp, bởi tận dụng luật pháp thể chế của các nước đến đầu tư. 

Thứ hai chính là tận dụng tối đa quy định của chính sách ưu đãi sau đó dừng. Mục đích của chính sách này nhằm khuyến khích nhà đầu tư mang vốn tới những vùng khó khăn cải thiện tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương đó. Bù lại, họ được hưởng ưu đãi thuế. Trong trường hợp này, nếu sau khi hết thời gian ưu đãi, nhà đầu tư vẫn thực hiện nghĩa vụ thì đây là doanh nghiệp hoàn toàn chân chính. Trường hợp nhà đầu tư hưởng hết ưu đãi rồi tuyên bố phá sản, giải thể là với mục đích "né" thuế. 

Ông Phụng cho rằng, phòng chống hoạt động tránh thuế cần giải pháp đồng bộ từ rà soát luật pháp, thể chế tới đánh giá thực tế. Từ đó, tổng kết thực tiễn xem xét chính sách phù hợp, không phù hợp mới có thể đưa ra chính sách ưu đãi cần cắt bỏ và thay đổi. 

Tuy nhiên, giải quyết về vấn đề này không thể phó mặc một mình cơ quan thuế mà cần sự giám sát của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thị trường, chi cục hải quan... 

Ông Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khả năng kiểm soát tài chính của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như nhà đầu tư trong nước ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc làm này chỉ thành công khi có sự phối hợp của nhiều quốc gia. 

Theo bà Nguyễn Phương Thuý, Trưởng phòng Chính sách và Chiến dịch – AcitonAid Việt Nam, Chính phủ tập trung cải thiện môi trường đầu tư bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc. Việc này sẽ giúp giảm chi phí vận hành chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực cải thiện chất lượng của lao động Việt Nam, bởi nguồn nhân lực trình độ cao là yếu tố cơ bản mà nhà đầu tư xem xét khi đưa ra quyết định đầu tư. Mặt khác, Chính phủ tiếp tục cải cách hệ thống thuế và bộ máy quản lý thuế để giảm thiểu các kẽ hở trong chính sách ưu đãi thuế./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục