Chủ nghĩa hoài nghi gia tăng trong EU

06:00' - 21/02/2018
BNEWS Trang mạng Euractiv.com vừa có bài viết đưa ra các nhận xét và phân tích hiện tượng trỗi dậy của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trước thời điểm diễn ra bầu cử các thể chế của Liên minh.
Cờ của EU bên tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 29/3. Ảnh: THX/TTXVN

Triển vọng về việc các đảng hoài nghi châu Âu có thể giành được chỗ đứng tốt sau các cuộc bầu cử tại Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên sắp tới đang gây lo ngại cho nhiều quan chức cũng như những người thân châu Âu.
Việc Anh rời bỏ EU, hay còn gọi là Brexit, và việc bắt đầu tính ngược thời gian cho các cuộc bầu cử sắp tới của châu Âu vào tháng 5/2019 cho thấy tính cấp thiết phải tìm ra một "phương thuốc cứu chữa" cho chủ nghĩa hoài nghi đang lớn dần lên trong lòng EU.
Giles Pelayo, chủ nhiệm chương trình "Châu Âu cho các công dân" của Ủy ban châu Âu, tuyên bố chủ nghĩa hoài nghi châu Âu là một điều không hoàn toàn xấu. Các công dân phải là những người kiểm tra dự án châu Âu và thực sự họ là những người đòi hỏi kỹ tính.
Ngoài các đảng như đảng Độc lập (UKIP) của Anh, Mặt trận dân tộc (FN) của Pháp hay đảng Sự thay thế cho nước Đức (AfD) là những đại diện rõ nét nhất cho chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, xu hướng này cũng đã lan rộng đến nhiều nước thành viên mới của EU - đặc biệt là hai nước Ba Lan và Hungary vốn đang bày tỏ sự chống đối ra mặt với các nhà cầm quyền EU.
Pavol Babos, đồng chủ nhiệm chương trình, cho biết nhiều ý nguyện mong chờ đã tăng lên sau đợt mở rộng EU từ năm 2004 đến năm 2007. Theo ông Babos, cử tri ở Đông Âu cũng như Tây Âu không khác biệt nhưng cách giải thích mà họ đưa ra lại khác nhau.
Công dân những nước mới gia nhập EU trông chờ vào việc lấp đầy nhanh chóng hố sâu ngăn cách kinh tế với sự giàu có của những "người hàng xóm" và đảm bảo một tiếng nói bình đẳng trong những cuộc thảo luận châu Âu, tuy nhiên theo thời gian họ cảm thấy sự trông chờ của mình không được thỏa mãn.
Nghị sĩ châu Âu của Hungary Benedek Javor cho rằng đây là một hiện thực không thể chối bỏ. Ông cũng đánh giá những dư chấn của sự kiện "động đất" tài chính 2007-2008 cùng với cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) vẫn ám ảnh người dân và đây là một nhân tố then chốt hỗ trợ cho chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và gây ra sự xói mòn niềm tin.
Ông Javor bình luận EU đã đi qua một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và chưa hẳn đã thoát ra hoàn toàn khỏi cuộc khủng hoảng này.
Về phần mình, ông Luc Van Den Brande, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã lo ngại về tình trạng thiếu niềm tin và sự đối kháng giữa EU với không gian riêng của các quốc gia thành viên. Ông mong muốn có các chương trình tuyên truyền vận động trong giới trẻ về hội nhập châu Âu.
Có nhiều ý kiến ủng hộ một danh sách châu Âu trong cuộc bầu cử các thể chế nhằm tăng cường hơn bản sắc châu Âu. Một nhóm các đại biểu châu Âu thông qua một danh sách các đảng xuyên quốc gia từ lâu được xem như một phương thức xây dựng nên một "dân tộc châu Âu" và tránh cho các cuộc bầu cử tại đây bị giảm xuống thành bầu cử của 27 quốc gia riêng biệt.
Ý tưởng này đang được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ, nhưng nhóm nghị sĩ đảng cánh hữu Nhân dân châu Âu (PPE) - lực lượng chính trong Nghị viện châu Âu (EP) hiện nay, dù ủng hộ ý tưởng này nhưng vẫn chặn đứng đề xuất đưa ra một danh sách xuyên quốc gia trong cuộc bầu cử tới.
Theo Phó chủ tịch của PPE Mairead Mc Guiness, ý tưởng về một danh sách xuyên quốc gia là những bước đi chập chững ban đầu, nhưng nó có thể dẫn người dân suy nghĩ xa hơn ngoài các vấn đề quốc gia trong các cuộc bầu cử châu Âu, và ý tưởng này cần phải được đưa ra để thăm dò và xem xét.
Tuy nhiên, nhóm PPE cho rằng họ ủng hộ việc thành lập ra một danh sách xuyên quốc gia nhưng thời gian để thực hiện điều này không thể trước năm 2024.
Bất chấp việc có lập ra được một danh sách xuyên quốc gia hay không, các đảng dân tộc chủ nghĩa và hoài nghi châu Âu vẫn có thể giành được kết quả tốt tại cuộc bầu cử tháng 5/2019. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy các đảng AfD, Phong trào 5 Sao (M5S) tại Italy và các nhà dân chủ Thụy Điển đều đang mạnh hơn so với thời điểm cách đây 5 năm.
Josef Janning thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại của EU tuyên bố Liên minh đã có thể thích ứng nhiều hơn trước các hành động dọa nạt và cuộc khủng hoảng người di cư đã không kéo theo sự sụp đổ của khối. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh một điều chắc chắn là các cuộc khủng hoảng sẽ có tác động lớn tới vấn đề cam kết với công dân của EU.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục