Chủ tịch EC: Những ai nghĩ rằng đây là thời điểm để phá vỡ EU thì họ đã nhầm

10:29' - 10/12/2016
BNEWS Ngày 9/12, Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm 25 năm Hội nghị thượng đỉnh Maastricht, sự kiện đặt nền móng cho sự ra đời của EU và đồng tiền chung châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker. Ảnh: EPA

Tuy nhiên 1/4 thế kỷ sau, EU hiện đang phải đối mặt với làn sóng phản đối hội nhập và chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang ngày càng gia tăng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, ông Martin Schulz và Chủ tịch Eurogroupe, ông Jeroen Dijsselbloem đã có mặt tại Maastricht, thị trấn lịch sử nằm ở phía nam Hà Lan, để kỷ niệm 25 năm Hiệp ước Maastricht.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker đã đưa ra thông điệp cảnh báo các nước của EU có ý định hành động riêng rẽ trong khi Liên minh đang đối mặt với sự nghi ngờ sau khi nước Anh quyết định rời EU. Ông nhấn mạnh những ai nghĩ rằng đây là thời điểm để phá vỡ EU thì họ đã nhầm.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nếu không có EU thì không một nước thành viên nào tự mình có khả năng gây sức nặng và uy tín trên thế giới. Hiện nay, EU là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới khi chiếm tới 25% GDP toàn cầu. Cũng theo dự đoán của ông Jean-Claude Juncker thì trong 20 năm tới không một nước thành viên nào của EU còn có thể duy trì vị trí là thành viên của G7.

Về lĩnh vực dân số, nếu như vào đầu thế kỷ thứ 20, châu Âu chiếm 20% dân số nhân loại thì hiện nay con số này chỉ còn 6-7% và vào cuối thế kỷ 21 sẽ chỉ còn khoảng 4% trong số 10 tỷ dân trên Trái đất.

Ông Jean-Claude Juncker, người từng tham gia sự kiện lịch sử tại Maastricht 25 năm trước đây, đánh giá Hiệp ước Maastricht là một hiệp ước quan trọng nhất trong lịch sử EU.

Ngày 9/12/1991, nguyên thủ quốc gia của 12 nước châu Âu, bao gồm Thủ tướng Pháp François Mitterrand và Thủ tướng Đức Helmut Kohl, đã đồng ý thay đổi tên Cộng đồng châu Âu thành Liên minh châu Âu. Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 1/11/1993.

Tại hội nghị Maastricht, 12 quốc gia đã thể hiện một tham vọng hoàn toàn mới, vượt xa hơn ý tưởng ban đầu là tạo ra một "thị trường chung". Hiệp ước Maastricht đã cho ra đời một Liên minh châu Âu với đơn vị tiền tệ chung là đồng euro. 

>>> EC phạt nặng 3 ngân hàng lớn vì thao túng lãi suất Euribor

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục