Chủ tịch ECB: Lạm phát của Eurozone vẫn thiếu tính bền vững

07:02' - 19/11/2017
BNEWS Xu hướng lạm phát vẫn “ảm đạm” chủ yếu do tăng trưởng tiền lương yếu - dấu hiệu cho thấy lạm phát của Eurozone thiếu tính bền vững.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi trong một phát biểu mới đây nhận định: triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang được cải thiện một cách rõ ràng, nhưng xu hướng lạm phát vẫn “ảm đạm” chủ yếu do tăng trưởng tiền lương yếu - dấu hiệu cho thấy lạm phát của Eurozone thiếu tính bền vững.
Ông Draghi nhấn mạnh cần phải có một chương trình kích thích tiền tệ lớn để có thể làm gia tăng áp lực lạm phát trong trung hạn. Theo ông Draghi, các điều kiện tài chính thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, vốn là một động lực chính cho quá trình phục hồi kinh tế của Eurozone, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn với lãi suất thấp mà ECB cung cấp.
Ba tuần trước đó, ECB đã quyết định cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng kể từ tháng 1/2018, đồng thời gia hạn chương trình này đến ít nhất là tháng 9/2018. Ông Draghi cho biết động thái này thể hiện ECB ngày càng tin tưởng vào kinh tế của khu vực Eurozone. Với 18 quý tăng trưởng liên tiếp, Eurozone đang ở trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế vững chắc.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB cũng lưu ý rằng những quyết định về chính sách tiền tệ mới nhất nói trên của ECB cũng cho thấy Eurozone cần phải bình tĩnh và kiên trì với mục tiêu về lạm phát.
Những phát biểu trên của ông Draghi được đưa ra ngày 17/11 tại Hội nghị ngân hàng châu Âu Frankfurt lần thứ 27. Được tổ chức bởi Deutsche Bank, Commerzbank, BNP Paribas và chính quyền thành phố Frankfurt, Hội nghị ngân hàng châu Âu Frankfurt là một sự kiện hàng năm nhằm tạo ra một diễn đàn cho các cuộc thảo luận mở về các vấn đề của châu Âu, vai trò của “lục địa già” trên chính trường thế giới cũng như trên các thị trường tài chính.

Hội nghị năm nay tập trung bàn luận về các vấn đề như gia tăng tính cạnh tranh của lĩnh vực ngân hàng châu Âu và tác động của xu hướng "đảo ngược toàn cầu hóa" đối với châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục