Chủ tịch nước: Không thể nói cấm xe máy là cấm ngay, dừng ngay được

20:01' - 26/04/2017
BNEWS Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan chức năng của Tp. Hồ Chí Minh giải quyết, trả lời thỏa đáng một số kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề của địa phương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh có buổi tiếp xúc cử tri quận 1,3 và 4 để thông báo nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Chiều 26/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1 - Thành phố Hồ Chí Minh, đã tiếp xúc cử tri tại Quận 1, Quận 3, Quận 4 nhằm thông báo những nội dung chính dự kiến trong chương trình Kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XIV, ghi nhận những vấn đề cử tri quan tâm.
Các cử tri Quận 1, Quận 3, Quận 4 nêu nhiều ý kiến về các vấn đề bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; phòng chống ùn tắc giao thông, trong đó bày tỏ quan điểm đối với đề xuất hạn chế, cấm xe máy;

Cải thiện chất lượng giáo dục; tinh giản biên chế, sắp xếp gọn nhẹ bộ máy cơ quan các cấp; vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri; xung quanh một số dự án luật, trong đó có dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi); lợi dụng tín ngưỡng để thực hành mê tín dị đoan...
Cử tri Lê Minh Số (Phường Cầu Kho, Quận 1) nêu ý kiến, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội cần hiệu quả hơn. Những gì chưa làm được thì phải báo cáo vào kỳ họp sau. Vấn đề tinh giản biên chế đã được đề cập nhiều, nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao, bộ máy tổ chức cồng kềnh đang khiến chi phí công tăng lên, kìm hãm sự phát triển sản xuất.
Cử tri Hoàng Thị Lợi (Phường Bến Nghé, Quận 1) góp ý kiến về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) cần công nhận thêm hình thức gửi đơn tố cáo qua Email (Điều 20); công nhận chứng cứ tố cáo qua ghi âm, ghi hình, chụp ảnh bằng điện thoại...

Cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo, không nên quy định người tố cáo phải có đơn xin được bảo vệ. Nhiều nước có chương trình bảo vệ nhân chứng, đây là khía cạnh cần được tham khảo.
Cử tri Nguyễn Thị Ngọc Hân (Phường 12, Quận 4) nêu ý kiến về chương trình giáo dục - đào tạo hiện nay còn nhiều bất cập, liên tục thay đổi gây khó khăn cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu chiến lược lâu dài để khắc phục tình trạng thiếu tính bền vững.
Chia sẻ quan điểm về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, cử tri Trần Tuấn Khải (Phường Cầu Kho, Quận 1) cho rằng, cần xem xét lại chất lượng đào tạo tại chức, ưu tiên tuyển thẳng công chức là thủ khoa đại học công lập.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ cử tri quận 1,3 và 4. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh ý kiến của cử tri xung quanh vấn đề mở rộng linh hoạt các hình thức tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội; khẳng định quan điểm đại biểu Quốc hội phải thường xuyên duy trì mối liên hệ với cử tri để lắng nghe được đầy đủ những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Phản ánh đến các cơ quan chức năng đồng thời để đại biểu Quốc hội làm tốt hơn nhiệm vụ, chức trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đại biểu Quốc hội không nhất thiết chỉ tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử của mình, mà có thể tiếp xúc cử tri ở các đơn vị bầu cử khác, tiếp xúc cử tri ở nơi công tác, nơi cư trú, tiếp xúc chuyên đề...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết, trả lời thỏa đáng một số kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề của địa phương.
Giải đáp ý kiến cử tri trước đòi hỏi bức thiết về bảo vệ môi trường, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những thông điệp mạnh mẽ sau những bài học đắt giá về sự cố gây ô nhiễm môi trường vừa qua. Bảo vệ môi trường là vấn đề liên quan đến sự sống còn của nhân loại, là vấn đề được cả thế giới quan tâm.

"Quan điểm của Việt Nam là không đánh đổi môi trường bằng bất cứ giá nào. Vì thế, khi xem xét các dự án, công trình đều cân nhắc, đánh giá tác động đối với môi trường để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và không ảnh hưởng đến môi trường. Vừa qua, một số dự án chưa chắc chắn về yếu tố tác động đến môi trường nên Chính phủ đã chỉ thị tạm dừng triển khai”, Chủ tịch nước thông tin với cử tri.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông cũng đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Việt Nam đang nghiên cứu các giải pháp chống ùn tắc, đảm bảo tốt hơn giao thông cho người dân. Việc giải phóng vỉa hè vừa làm khang trang, sạch đẹp đô thị, đồng thời cũng là góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Các địa phương đã triển khai thì cần phải thường xuyên, không để tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, đảm bảo đô thị khang trang sạch đẹp.

“Một số ý kiến về việc hạn chế, cấm xe máy cũng mới là một đề xuất để chống ùn tắc giao thông. Đề xuất này cần có quá trình nghiên cứu tính khả thi, xây dựng lộ trình, bước đi triển khai cụ thể, mới có thể góp phần chống được ùn tắc giao thông, chứ không thể nói cấm là cấm ngay, dừng ngay”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ.
Về vấn đề giải quyết khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ thực tế các vụ khiến kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai xảy ra tại nhiều địa phương. Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, các địa phương cũng đang quan tâm giải quyết vấn đề này.

Đề cập đến vụ việc vừa qua ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Trung ương đang chỉ đạo Thành phố Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm, từ nguyên nhân xảy ra vụ việc, quá trình xử lý, những bài học qua vụ việc này.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, điều quan trọng là phải nắm chắc tình hình, hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp, thì mới có thể có những giải pháp hiệu quả, thấu tình, đạt lý.

Cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng thời phải giải thích để người dân hiểu rõ những chủ trương, chính sách, quyết định của Nhà nước, địa phương. Phải làm sao vừa giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, đồng thời phải mở rộng dân chủ, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến dân, thông qua trao đổi mang tính xây dựng để tạo sự đồng thuận thì chắc chắn sẽ không xảy ra các vụ việc phức tạp.
Đối với ý kiến của cử tri đề cập đến vấn đề cải thiện chất lượng giáo dục, vấn đề lương đối với sinh viên mới ra trường, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp thu để chuyển tới các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cải cách giáo dục nhằm đào tạo tri thức cho sinh viên, kết hợp với đào tạo nền tảng đạo đức, thể lực nhằm đào tạo con người toàn diện.

Đi cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, Chủ tịch nước cho rằng vấn đề quản lý tốt các loại hình đào tạo cũng có vai trò hết sức quan trọng.
Trả lời ý kiến của cử tri liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế và tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh yêu cầu tinh giản biên chế phải đi liền với kiện toàn, tinh gọn bộ máy. Trung ương đã có chỉ đạo sát sao về vấn đề này và tới đây sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận những ý kiến của cử tri đối với một số dự án luật, như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Tố cáo (sửa đổi), khẳng định quan điểm nhất quán là bảo vệ người tố cáo, khuyến khích người dân đề cao trách nhiệm công dân.

Việc không xem xét những đơn thư không có địa chỉ, không có tên người tố cáo nhằm tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để cố ý tố cáo sai sự thật, bôi xấu làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cho biết, sau mỗi kỳ họp, Quốc hội đều có Nghị quyết yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn phải thực hiện những cam kết trước đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước. Chủ tịch nước ghi nhận ý kiến của cử tri về đổi mới hình thức chất vấn và trả lời chất vấn để từ đó phản ánh với các cơ quan chức năng của Quốc hội.

Đối với vấn đề lợi dụng mê tín dị đoan, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, quan điểm của Đảng, Nhà nước là tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan; phê phán, xử lý các cán bộ, đảng viên lợi dụng giờ làm việc, xe công để đi lễ hội; phê phán lợi dụng tín ngưỡng để thực hành mê tín dị đoan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục