Chữ tín và niềm tin

12:29' - 19/03/2018
BNEWS “Lãi suất không phải là vấn đề, hơn nhau 0,1-0,2% chỉ là chiêu trò cạnh tranh, vấn đề quan trọng là chữ TÍN, là sự thủy chung, là làm ăn phải có trước, có sau…”.

Bộc bạch thẳng thắn của ông Phạm Đức Bình (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình - Tp. Biên Hòa - Đồng Nai) khi được hỏi về mối lương duyên của ông “vua heo” nổi tiếng nhất nhì cả nước với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) khiến chúng tôi thực sự ấn tượng.

Không biết do câu chuyện bắt đầu từ chữ TÍN hay do bản tính cởi mở, bộc trực sẵn có của một “đại gia nông dân” mà chỉ ít phút chia sẻ ngắn ngủi đã nói lên nhiều điều…

Ông Phạm Đức Bình (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình - Tp. Biên Hòa - Đồng Nai). Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Tôi thành công nhờ chữ Tín

Phóng viên: Bây giờ "ăn nên làm ra" thế này, hẳn ông được nhiều ngân hàng “săn đón”?

Ông Phạm Đức Bình: Tất nhiên rồi, nhưng như tôi đã nói rồi đấy, lãi suất không phải là vấn đề lớn, hơn nhau 0,1-0,2% chỉ là chiêu trò cạnh tranh giữa các ngân hàng. Vấn đề thứ nhất là chữ tín, là sự thủy chung, là làm ăn phải có trước, có sau. Như tôi với Agribank làm ăn với nhau hai mươi mấy năm nay rồi, vui buồn, thành bại có nhau, tự dưng có ngân hàng khác qua mời chào, rồi mình bỏ theo họ thì coi sao được.

Thứ hai là thái độ phục vụ. Agribank với tôi có giao dịch từ năm 1993, điều tôi hài lòng là sự trách nhiệm của Agribank. Agribank luôn coi việc của tôi cũng như việc của họ, dù khó khăn, dù lễ tết, dù bất cứ trục trặc gì cũng luôn tìm cách tốt nhất để đảm bảo thời hạn giải ngân, thời hạn thanh toán cho chúng tôi.

Với doanh nghiệp làm ăn với nhiều đối tác khắp mọi miền trong nước, nước ngoài như chúng tôi, điều đó rất quan trọng. Chưa kể những chính sách chăm sóc khách hàng của Agribank cũng rất tốt. Bản thân tôi cũng là một doanh nghiệp đi bán hàng, tôi cũng rất hài lòng và nhiều khi học tập lại để áp dụng chăm sóc khách hàng của mình.

Phóng viên: Hợp tác với nhau lâu như thế, ông và Agribank có nhiều kỷ niệm?

Ông Phạm Đức Bình: Phải nói rằng, cuộc đời kinh doanh của tôi thành công cũng nhiều mà thất bại cũng lắm. Ngay từ lúc mới mười tám, đôi mươi, tôi đã tập tành kinh doanh. Sau nhiều năm lao động cật lực với nghề truyền thống của gia đình là nuôi heo và kinh doanh thức ăn gia súc, tôi đã gầy dựng thành công thương hiệu Thanh Bình với trại heo ở Hố Nai và xí nghiệp sản xuất cám ăn cho heo mang nhãn hiệu "Con heo đỏ".

Ngoài ra, Thanh Bình còn kết hợp chăn nuôi gà với hình thức tổ chức chăn nuôi gia công ở Đồng Nai và một số tỉnh miền Đông, mở rộng nhà xưởng ở Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai để thu mua và chế biến nguyên liệu thức ăn gia súc...

Từ thành công trong chăn nuôi, tôi quyết định đầu tư vào cà phê để tăng tốc. Đó là thời điểm năm 2000, khi thấy giá cà phê xuống thấp, tôi ham quá nên dốc hết vốn liếng, tài sản từ kinh doanh heo, gà vào cà phê. Nhưng lần này thất bại thảm hại. Tôi mất đến 100 tỷ đồng.  

Hoàn toàn trắng tay, nợ nần chồng chất, chủ nợ định “siết” toàn bộ tài sản trại heo và nhà máy cám, tôi nói: “Tôi chỉ còn con gà, nếu các anh cho tôi nuôi nó, nó sẽ tiếp tục đẻ trứng thì tôi mới có tiền trả cho các anh, ngược lại nếu anh lấy con gà này, chưa chắc các anh nuôi sống nó mà tôi cũng không có thêm tiền trả cho anh”. Nghe có lý nên chủ nợ đồng ý chờ đợi và tôi đã thực hiện đúng cam kết.

Hay nữa là khi tôi mắc nợ, chủ nợ này lại nợ Agribank và đang có nguy cơ phá sản. Biết rõ năng lực của tôi nên Agribank tìm đến tôi với đề nghị cho tôi vay tiền để tiếp tục sản xuất và trả nợ.

Dĩ nhiên Agribank cũng thu được nợ khi tôi trả nợ cho chủ nợ kia. Lúc đó, tuy thua lỗ nhưng tôi lại thấy vui vì mình vẫn được tin tưởng, vẫn có uy tín hơn cả chủ nợ. Và tôi lại dựng lại cơ nghiệp từ “5 tỷ đồng niềm tin” của Agribank và bắt đầu lại bằng việc nuôi gà.

Lần đó, tôi được một bài học đắt giá là trong kinh doanh, có thể liều lĩnh nhưng không thể coi như một canh bạc, đừng để máu “ăn thua” chi phối, đặc biệt đừng bao giờ “cho hết trứng vào một rổ”. Và cũng bù lại, từ thất bại đó, tôi có được mối ân tình không gì có thể đánh đổi với Agribank.

Phóng viên:Thực chất mối quan hệ giữa ngân hàng - doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi, nhưng thực tế trên thị trường tín dụng hiện nay, các ngân hàng cũng phải chịu áp lực lớn trong cạnh tranh để giữ khách hàng. Và cũng không ít hiện tượng khách hàng dùng chiêu trò “qua mặt” ngân hàng bởi sự không minh bạch, đẩy ngân hàng đối mặt với vấn nạn nợ xấu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Đức Bình: Doanh nghiệp chúng tôi cũng có cách xếp hạng ngân hàng theo tiêu chí riêng của mình vì cùng lúc nhiều ngân hàng khác nhau đến chào mời nên chúng tôi rất dễ so sánh, từ lãi suất, cách phục vụ...

Tuy nhiên, tôi thấy doanh nghiệp Việt Nam có cái lạ là cứ đi vay là phải vay bằng mọi giá, không đủ điều kiện để vay thì dùng chiêu trò, luồn lách. Lãi suất hơn thua một chút là kì kèo, bỏ qua ngân hàng khác. Cách này khó tồn tại. Thực ra trên thương trường, việc xây dựng một mối quan hệ đâu phải đơn giản như thế.

Hơn nữa, doanh nghiệp không có sự minh bạch với chính mình thì không được. Không nên coi báo cáo tài chính minh bạch, phương án kinh doanh cụ thể hay kế hoạch trả nợ rõ ràng là điều kiện cho vay ngặt nghèo, vì đó chỉ là những điều kiện tối thiểu. Nếu ngân hàng không có các tiêu chí xét duyệt tín dụng như vậy, mà cứ cho vay tràn lan, thì sẽ dẫn tới nợ xấu, sẽ không còn ai tin tưởng tìm tới ngân hàng gửi tiền nữa.

Khi bước chân vào lĩnh vực mới mà chúng tôi đang thực hiện là mua bán công ty, mua bán nợ tôi càng thấy điều này có ý nghĩa. Ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực mua bán công ty, mua bán nợ này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều tập đoàn đã sáp nhập và đã lớn mạnh, hoạt động hiệu quả.

Mặt khác, do kinh nghiệm xử lý nợ của bản thân giúp tôi có khả năng phân loại nợ và đàm phán, xử lý nợ của các doanh nghiệp hiệu quả. Và với lĩnh vực này, tôi cũng đặt ra tiêu chí càng làm việc được với những ngân hàng lớn, có sự minh bạch và chặt chẽ trong quy trình càng chứng tỏ tiềm năng và cơ hội thành công của mình.

Nhờ chính sách chăm sóc khách hàng tốt, Agribank giữ chân khách hàng hợp tác lâu dài. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Tôi sẽ bán Niềm tin

Phóng viên: Ông được biết đến là một doanh nhân dám nghĩ, dám làm, ưa mạo hiểm, thích đột phá, nhưng cho đến nay, ông vẫn trung thành với ngành chăn nuôi. Vậy phải có hướng đi gì khác chứ?

Ông Phạm Đức Bình: Mặc dù đã và đang kinh doanh nhiều ngành mảng khác nhau nhưng tôi vẫn coi ngành chăn nuôi là nghiệp bởi thực tế nhờ vốn của con heo, tôi mới mạnh dạn tham gia vào thị trường nhà đất, kho xưởng và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như hiện nay.

Hơn nữa, tôi cũng trăn trở vì ngành chăn nuôi nói riêng cũng như nông nghiệp nói chung còn rất nhiều bất cập. Như Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng 70% nguyên liệu, thức ăn gia súc phải nhập khẩu như đậu nành, bắp, các chất phụ gia, khoáng vitamin... Tại sao chúng ta cứ mải mê với kế hoạch 6 - 7 triệu tấn gạo mà không phải là 1 tấn bắp cho heo ăn để không phải nhập khẩu?

Năm 2017, ngành chăn nuôi lợn thua lỗ khoảng 54.000 tỷ đồng. Người ta nói năm ngoái người chăn nuôi phá sản thì năm nay sẽ đến người bán cám, sản xuất cám sẽ phá sản. Hiện chúng tôi đang chuyển hướng sang giết mổ, chế biến. Chúng tôi làm từ A đến Z theo chuỗi: Farm, Food, Feed.  Trước đây chúng tôi đã chăn nuôi, đã sản xuất thức ăn, nay tôi đầu tư tiếp vào khâu giết mổ, chế biến.

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều quy định, nào là Việt GAP, Global GAP…, nhưng vấn đề là phải làm sao tổ chức được theo chuỗi vì thực tế hiện nay, nếu nuôi được con heo tốt, cho ăn thức ăn tốt nhưng chế biến giết mổ không tốt, như lò mổ không đảm bảo vệ sinh, giết mổ lại bơm nước vào thịt heo… thì cũng không lấy đâu ra thịt sạch cho người tiêu dùng. Nên vấn đề là phải sản xuất theo chuỗi, phải có người chịu trách nhiệm đến khâu cuối cùng của sản phẩm trước khi đưa đến tay người dân.

Chúng tôi cam kết là nếu cơ quan chức năng hay cá nhân nào phát hiện sản phẩm của chúng tôi tồn dư chất cấm, chúng tôi sẽ đền bù cả tỷ đồng và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật. Phải có sự cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng chứ không bây giờ người tiêu dùng sợ thì chúng ta không có cách gì lấy lại được niềm tin.

Phóng viên: Nghịch lý đối với sản xuất nông sản hiện nay là rau sạch cũng chỉ được bán ngang giá rau không sạch, heo an toàn cũng chỉ bán cho thương lái bằng giá heo thường, thậm chí thấp hơn vì heo sạch không "đẹp" bằng heo thường. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Đức Bình: Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải thay đổi. Hiện giá thành và chất lượng sản phẩm thịt của chúng ta đang còn nhiều vấn đề nên để đưa được sản phẩm ra thị trường chúng ta phải tìm hiểu cụ thể thói quen, sở thích tiêu dùng của từng nhóm khách hàng.

Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam là thích “thịt nóng”, còn “thịt lạnh” thì rất khó được chấp nhận dù nhiều bà nội trợ vẫn thường xuyên mua miếng thịt tươi về vứt vào ngăn đông rồi tuần sau mới dùng đến.

Hay thói quen của doanh nghiệp cũng thế, ví dụ cứ nói đến chế biến thịt heo là nghĩ đến pate, xúc xích, dăm bông…, trong khi thực tế đây không phải là các món ăn truyền thống, được người Việt Nam sử dụng hàng ngày. Vì vậy, phải nghiên cứu cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu bằng bằng các món quen thuộc như kho tộ, quay…

Chúng tôi đang thử nghiệm những hình thức chế biến này với sản phẩm thịt heo detox Thanh Bình. Trong khoảng một tháng cuối cùng trước khi đưa đi giết mổ, heo được ăn theo chế độ detox (thải độc), chủ yếu ăn thức ăn thô, không chứa đạm, vitamin và khoáng chất nên tồn dư kháng sinh hay độc hại nếu có đều bị thải hết ra ngoài.

Chúng tôi bán qua online và giao hàng tận nơi, những khách hàng đã kết bạn với tài khoản facebook "Heo Thanh Bình" đều nhận được thông tin các loại thịt heo tươi của công ty và có thể đặt trực tiếp bằng cách nhắn tin qua facebook loại thịt và số lượng cần mua hoặc qua điện thoại rồi đợi công ty giao đến tận nhà.

Mặc dù khó khăn của hình thức này là số lượng người tiêu dùng có thói quen mua hàng online chưa nhiều, nhưng hiện việc tổ chức bán hàng qua cửa hàng, qua siêu thị cũng chưa thể thực hiện được vì sản lượng của chúng tôi chưa nhiều, chăn nuôi theo quy trình detox không thể có sản lượng lớn như chăn nuôi công nghiệp.

Hơn nữa, việc đưa hàng qua hệ thống các chợ, các cửa hàng hay qua siêu thị cũng đặt ra vấn đề kiểm soát nguồn hàng, kiểm soát chất lượng nên chúng tôi cần có thời gian tính toán. Tôi xác định không chỉ là bán sản phẩm mà là bán niềm tin cho khách hàng nên với sản phẩm thịt heo detox chúng tôi đang thử nghiệm chương trình tặng 10 tấn thịt cho 10.000 người dùng thử để khách hàng tự so sánh, đối chiếu và xác nhận niềm tin với chúng tôi.

Phóng viên:Xin cảm ơn ông!

>>> Mô hình mới giúp nông dân tiếp cận vốn nhanh nhất

>>> Ngân hàng lưu động - rút ngắn đường đến với dân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục