Chưa có nhiều chuyển biến trong giải quyết bức xúc của người dân

11:51' - 13/11/2015
BNEWS Trả lời phỏng vấn BNEWS sáng 13/11, đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung cho rằng dù nhiệm kỳ của các bộ trưởng đã gần hết nhưng việc giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân chưa có chuyển biến đáng kể.

Rất nhiều nội dung như an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; quản lý thị trường chống hàng gian, hàng giả; cạnh tranh không lành mạnh… đã được Quốc hội thông qua trong các Nghị quyết ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhưng đến nay vẫn chưa có những chuyển biến, chưa có kết quả rõ nét.

Vấn đề này được đại biểu Võ Thị Dung, đoàn đại biểu Tp. Hồ Chí Minh trăn trở trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 13/11. 

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung phát biểu trong một phiên họp của Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN


Phóng viên: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về việc thực hiện các nội dung được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết được đưa ra trong thời gian qua? 
Bà Võ Thị Dung: Hiện nay, rất nhiều vấn đề được đặt ra như an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn giao thông, nông nghiệp chất lượng cao; quản lý thị trường, hàng gian, hàng giả hay cạnh tranh không lành mạnh…, trong đó có những số vấn đề được đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến, chưa có kết quả rõ nét; đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt ra gay gắt tại kỳ họp lần này. 
Đến nay, các bộ trưởng "đổ cho nhau", như Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận chỉ quản lý lĩnh vực thực phẩm trên thị trường; Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chất lượng bữa ăn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về phân bón…, nhưng rõ ràng, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để thực hiện Nghị quyết về công tác này là chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Trách nhiệm thì có, nhưng thể hiện sự liên kết với nhau, gắn bó với nhau để quyết liệt thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội chưa mạnh, chưa nhiều. Nhiều vấn đề người dân bức xúc đến nay vẫn không có chuyển biến đáng kể. 
Phóng viên: Thưa bà, cử tri rất quan tâm đến việc lời hứa của các Bộ trưởng, sau khi chất vấn tại Quốc hội. Bà nhận định thế nào về lời hứa của các Tư lệnh ngành trong thời gian qua? 
Bà Võ Thị Dung: Đối với một số Bộ trưởng rất có trách nhiệm, quyết liệt nhưng sự chuyển biến vẫn chậm. Nguyên nhân là do sự điều hành, phối hợp để mà thực hiện Nghị quyết còn hạn chế. Trong cuộc họp không khí như thế, nhưng sau đó, mọi việc diễn ra còn chậm, không được mong muốn của cử tri, của đại biểu quốc hội và tinh thần của Nghị quyết. 
Một vấn đề nữa đối với lời hứa của các Bộ trưởng là khi các Bộ trưởng hứa tại diễn đàn rất tâm huyết nhưng do “lực bất tòng tâm”; việc đó có phải chăng là cơ chế phối hợp, điều hành chưa tập trung vào những vấn đề trọng tâm. Đặc biệt là những vấn đề thiết thân của nhân dân và của cử tri, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân. 
Kỳ họp nào cũng nêu lên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn giao thông; vấn đề tội phạm; vấn đề được mùa, rớt giá - được giá, mất mùa… Những vấn đề này không phải bây giờ mới đặt ra. Đây là những vấn đề liên quan thiết thực với người dân nhưng gần hết nhiệm kỳ mà những giải pháp, sự chuyển biến để tổ chức thực hiện, rõ ràng chưa mạnh. 
Phóng viên: Thưa bà, trong thời gian tới, cần có chế tài gì đối với các Bộ trưởng trong việc thực hiện các lời hứa trước cử tri? 
Bà Võ Thị Dung: Bởi hiện nay không có cơ chế. Nếu mà có cơ chế, ví dụ như qua cuộc chất vấn lần này, cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ có cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chẳng hạn đối với các Bộ trưởng trong nhiệm kỳ đó, tôi nghĩ rằng, sẽ có tác dụng hơn nhưng quy chế bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay 3 năm mới thực hiện, hay nói cách khác, một nhiệm kỳ chỉ có thực hiện một lần. 
Theo tôi, nên thực hiện như trước đây theo Nghị quyết 35 về việc bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy là sẽ tiến hành hàng năm. Nhưng hiện nay, Quốc hội đã sửa đổi, thay thế là giữa nhiệm kỳ một lần. Như vậy là không có biện pháp chế tài. 
Phóng viên: Xin cám ơn bà! 
Trung - Hiền/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục