Chứng khoán châu Á biến động thất thường

18:06' - 02/09/2015
BNEWS Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục bất ổn trước dấu hiệu rõ hơn về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

Các thị trường chứng khoán châu Á lại bắt đầu một "vòng" bất ổn mới vào phiên giao dịch ngày 2/9 sau khi có những bằng chứng rõ hơn về sự đi xuống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc.

Sắc đỏ trên thị trường chứng khoán Phố Wall phiên trước cũng khiến các nhà đầu tư châu Á "chùn tay" trong phiên ngày hôm nay.

Đóng cửa phiên 2/9, phần lớn các thị trường chủ chốt của khu vực đều mất điểm, trong đó chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) chứng kiến một phiên trồi sụt bất thường: giảm mạnh 4,39% vào đầu phiên, phục hồi tăng điểm vào giữa phiên, song kết thúc phiên lại giảm nhẹ 0,20%. Các nhà phân tích nói rằng số điểm mất vào đầu phiên đã xóa đi phần lớn những thành quả mà chỉ số Shanghai Composite có được nhờ các biện pháp hỗ trợ mới nhất của chính phủ đưa ra nhằm cứu vãn thị trường.

Chứng khoán châu Á giảm điểm. Ảnh:Reuters

Tương tự, chứng khoán Nhật Bản phiên này cũng trồi sụt lên xuống khi bị bán tháo vào đầu phiên, hồi phục vào giữa phiên để rồi khép phiên giảm nhẹ 0,39%. Chứng khoán Hong Kong bị mất điểm mạnh hơn khi chốt phiên, chỉ số Hang Seng để mất 250,49 điểm (-1,18%), xuống 20.934,94 điểm.

Các thị trường chính khác cũng phần lớn giảm mạnh vào đầu phiên và phục hồi nhẹ về cuối phiên. Cụ thể, chứng khoán Hàn Quốc đóng phiên tăng nhẹ 0,05% và chứng khoán Australia tăng 0,1% sau khi "đỏ sàn" trong phần lớn phiên giao dịch.

Đẩy các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên này, sau phiên giảm mạnh của chứng khoán Mỹ phiên trước, là những số liệu mới nhất cho thấy hoạt động công nghiệp tại hai nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và Trung Quốc đều chậm lại trong tháng Tám. Cụ thể, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng Tám đã tụt xuống 49,7 - mức thấp nhất trong ba năm qua, so với mức 50 của tháng Bảy trước đó. Trong khi đó, chỉ số PMI của Mỹ trong tháng Tám cũng giảm xuống 51,1 - mức thấp nhất kể từ đầu năm, so với mức 52,7 của tháng Bảy.

Những tin xấu khác tác động tới thị trường là việc đồng đô la của Australia đã tụt xuống mức thấp nhất trong sáu năm qua sau khi số liệu cho biết nền kinh tế nước này có tốc độ tăng trưởng trong quý II thấp hơn dự kiến, trong khi kinh tế Canada chính thức bước vào suy thoái do bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc giá dầu giảm dai dẳng. Nền kinh tế của cả hai nước này đều phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu hàng hóa, như quặng sắt chẳng hạn, sang Trung Quốc - nền kinh tế "ngốn" nguyên liệu thô hàng đầu thế giới trong một thập niên tăng trưởng "vũ bão" vừa qua.

"Bồi" thêm vào những căng thẳng trên là sự không chắc chắn về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp về chính sách sắp tới hay không. Theo các nhà phân tích, hiện tại nhà đầu tư một mặt hết sức lo ngại về triển vọng của kinh tế toàn cầu theo sau những lo ngại về kinh tế Trung Quốc, mặt khác là sự không chắc chắn về thời điểm nâng lãi suất của Fed. Bối cảnh đó khiến thị trường chứng khoán hiện tại đang trở nên hết sức mong manh, tiềm ẩn những biến động mới.

Chứng khoán châu Âu mở cửa phiên 2/9 đang tạm "dẫn điểm" sau phiên giảm mạnh hôm trước, trong đó chứng khoán Anh phục hồi 0,44%, Đức tăng 0,78% và Pháp tăng 0,73%./.

Thùy Chi (Theo AFP)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục