Chứng khoán châu Á khởi sắc phiên cuối tuần

16:58' - 29/09/2017
BNEWS Hầu hết các thị trường chứng khoán tại châu Á đều đi lên trong phiên giao dịch chiều ngày 29/9, sau khi chứng kiến diễn biến lạc quan với các mức cao kỷ lục của Phố Wall trong phiên trước.
chứng khoán châu Á. Ảnh: AP
Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 11,20 điểm (0,2%), lên 5.681,60 điểm, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu ngành khai mỏ. Trong khi đó, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng ghi thêm 21,33 điểm (0,90%), lên 2.394,47 điểm, nhờ xu hướng mua vào của các quỹ đầu tư và các nhà kinh doanh nước ngoài trước kỳ nghỉ lễ kéo dài bắt đầu từ đầu tuần tới (2-9/10).

Sắc xanh cũng bao phủ hai thị trường chứng khoán chủ lực khác là Thượng Hải và Hong Kong, giữa bối cảnh giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo về hoạt động chế tạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khép lại phiên cuối tuần, chỉ số Hang Seng tăng 132,7 điểm (0,48%), lên 27.554,3 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này mất 1,5% trong cả tháng Chín này, đánh dấu tháng giảm điểm đầu tiên kể từ đầu năm nay, do lo ngại về xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ và đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Dự kiến, trong tháng tới, Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 và số liệu kinh tế Trung Quốc quý III/2017 sẽ thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Cũng trong phiên 29/9, chỉ số Shanghai Composite tiến 9,3 điểm (0,28%), lên 3.348,94 điểm.

Tuy nhiên, đi ngược với xu hướng trên, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lại hạ nhẹ trong phiên này, do đồng yen mạnh lên so với đồng USD, khiến các nhà xuất khẩu Nhật Bản mất đi lợi thế cạnh tranh. Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 mất 6,83 điểm (0,03%), xuống 20.356,28 điểm. Trong ngày cuối tuần, giới đầu tư cũng vừa đón nhận một loạt số liệu kinh tế quan trọng từ nền kinh tế Nhật Bản trong tháng Tám vừa qua, bao gồm nhiều thông tin tích cực như sản lượng công nghiệp tăng mạnh hơn dự kiến, chi tiêu hộ gia đình- vốn được xem là nhân tố chính giúp Nhật Ban thoát khỏi giảm phát- bật tăng, còn tỷ lệ thất nghiệp rơi xuống mức thấp nhất hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản (có tính các sản phẩm dầu mỏ, nhưng không tính giá thực phẩm tươi sống) trong tháng 8/2017 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, tháng tăng thứ tám liên tiếp, trùng với dự đoán của thị trường, song vẫn chưa đạt mục tiêu lạm phát mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đề ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục