Chứng khoán Mỹ có tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng Tám

15:03' - 14/11/2015
BNEWS Đóng cửa phiên cuối tuần, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều giảm điểm, trong đó Dow Jones giảm 1,16% xuống chốt tuần ở 17.245,24 điểm...
Cảnh giao dịch tại Thị trường chứng khoán New York-Mỹ. Ảnh: THX-TTXVN

Giảm điểm mạnh trong phiên thứ Sáu cuối tuần (13/11), chứng khoán Mỹ đồng thời khép lại một tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ những ngày đen tối trong tháng Tám vừa qua, trong bối cảnh các cổ phiếu ngành công nghệ và bán lẻ bị bán tháo trước những kết quả do những lo ngại về triển vọng yếu kém của mùa mua sắm cuối năm sắp đến.

Đóng cửa phiên cuối tuần, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều giảm điểm, trong đó Dow Jones giảm 1,16% xuống chốt tuần ở 17.245,24 điểm. S&P 500 giảm 1,12% xuống 2.023,04 điểm và Nasdaq Composite trượt 1,54% về 4.927,88 điểm.

Tính chung cả tuần, cả ba chỉ số đều để mất trên 3%, trong đó Down Jones mất 3,7%; S&P 500 giảm 3,6% và Nasdaq mất 4,3% - ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng Tám, đồng thời chấm dứt đà đi lên liên tiếp của chứng khoán Mỹ trong sáu tuần qua.

Theo các nhà phân tích, đằng sau sự suy giảm của chứng khoán Mỹ trong hầu hết các phiên trong tuần qua, trong đó có ba phiên cuối tuần liên tục đi xuống, là những nhân tố như: giá dầu thô tiếp tục giảm sâu, tác động mạnh đến giá cổ phiếu của các công ty năng lượng; kết quả kinh doanh và lợi nhuận kém ấn tượng của một số "đại gia" ngành công nghệ và bán lẻ, trong đó có những tên tuổi lớn như chuỗi cửa hàng bán lẻ Macy's, JC Penney, Target và Amazon...

Những số liệu tiêu cực về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc cũng tác động xấu đến chứng khoán Mỹ trong tuần. Theo các số liệu mới nhất, hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu của nước này trong tháng 10/2015 đã giảm lần lượt là 18,8% và 6,9% so với cùng kỳ năm trước, làm dấy lên những lo ngại về "thể trạng" của cỗ máy kinh tế lớn thứ hai thế giới nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

Thêm vào đó, thị trường còn bị ảnh hưởng bởi việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống chỉ còn lần lượt 2,9% và 3,3% trong năm 2015 và 2016.

Ngoài ra, những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất vào tháng 12 tới cùng đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu cũng khiến thị trường không tránh khỏi bị tác động xấu.

Tuy nhiên, với mùa mua sắm lớn nhất trong năm vào lễ Giáng sinh đang tới gần, một số nhà phân tích hy vọng rằng người tiêu dùng sẽ vẫn "dốc hầu bao" trong dịp này.

Thùy Chi (Theo Reuters)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục