Chụp khối thép khổng lồ lên lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl

14:38' - 15/11/2016
BNEWS Mạng tin Euronews ngày 15/11 đưa tin công việc di chuyền và "chụp" một mái vòm bằng thép nặng 36.000 tấn lên lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đang được triển khai.

Dự kiến, việc di chuyển khối thép khổng lồ này sẽ kéo dài 5 ngày.

Tổng chi phí cho việc chế tạo mái vòm thép này lên tới 1,5 tỷ euro. Mái vòm thép mới này có chiều dài lên tới 275 mét, rộng 162 mét, cao 108 mét. Nó sẽ được sử dụng trong ít nhất 100 năm. Nhiệm vụ của nó là thay thế mái vòm cũ làm bằng bê tông, để ngăn chất phóng xạ rò rỉ và bay ra từ lò phản ứng số 4.

Giám đốc an toàn hạt nhân thuộc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) Vince Novak cho biết đây là công việc vô cùng phức tạp với sự tham gia của Ukraine và nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua. Chế tạo mái vòm thép này là một kỹ thuật phức tạp chưa từng có và nó được dự lên tại khu vực bị nhiễm xạ. Đây là cấu trúc bằng thép có thể di chuyển lớn nhất trên Trái Đất.

Cách đây hơn 30 năm, vào lúc 1 giờ 23 phút sáng ngày 24/6/1986, lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, nằm cách thủ đô Kiev (Cộng hòa Ukraine, thuộc Liên Xô cũ) khoảng 100 km, bất ngờ phát nổ.

Thảm họa Chernobyl trở thành một trong những sự cố hạt nhân dân sự tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Hậu quả nguy hiểm là trong suốt 10 ngày sau đó, lò phản ứng này phun trào phóng xạ độc hại gây ô nhiễm tới 3/4 châu Âu. Giới chức địa phương đã sơ tán khoảng 116.000 người ra khỏi “khu vực đặc biệt” có bán kính lên đến 30km từ nơi xảy ra vụ nổ.

Về thiệt hại con người, tức số người thiệt mạng do vụ nổ gây ra ban đầu và nhiều năm sau do bị nhiễm xạ đến nay vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi. Theo báo cáo của LHQ vào năm 2005 ước tính khoảng 4.000 người (chủ yếu là ở Ukraine, Nga và Belarus hiện nay) đã thiệt mạng do ảnh hưởng của phóng xạ từ thảm họa Chernobyl.

Theo tính toán, còn khoảng 200 tấn urani trong lò phản ứng hạt nhân bị nổ 30 năm trước. Để ngăn cản chất phóng xạ rò rỉ và bay ra từ lò phản ứng số 4, người ta đã xây dựng mái vòm bằng bê tông bao quanh lò phản ứng này.

Đến năm 2010, lo ngại về mái vòm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã quá cũ nát và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, Ukraine đã bắt tay vào xây dựng một mái vòm thép khác thay thế mái vòm cũ.

Số tiền chế tạo mái vòm thép này được hơn 40 quốc gia và Ngân hàng EBRD đóng góp. Ngoài ra, nhóm G7 và Hội đồng châu Âu (EC) sẽ đóng góp thêm khoảng 165 triệu USD. Mái vòm mới này được trang bị rất nhiều công nghệ hiện đại để đảm bảo rằng nếu có chuyện gì xảy ra với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, mái vòm này đủ khả năng ngăn chặn các chất phóng xạ độc hại rò rỉ ra ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục